“Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô” (Thánh Jerome).
Bài 1: Mục đích tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh.
I. Mục đích tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh của người viết.
II. Câu nói của cụ Phan Khôi về Thánh Kinh.
III. Quan điểm của các bài viết là quan điểm của một giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã.
IV. Mong nhận được các góp ý trên tinh thần xây dựng và học hỏi lẫn nhau.
***
I. Mục đích tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh[1],[ 2] của người viết.
Cuộc sống có ba mầu nhiệm mà đa số chúng ta ai cũng phải trải qua: tình yêu, sự đau khổ và cái chết. Trong ba mầu nhiệm đó, cái nào cũng đáng sợ cả, nhưng cái chết là cái đáng sợ nhất: đa số chúng ta ai ai cũng ngán, cũng sợ cái chết!
Chết rồi đi đâu đã được nhiều tôn giáo lớn giải đáp. Vấn đề quan trọng muốn nói ở đây là chuẩn bị cho cái chết như thế nào để chết được nhẹ nhàng và thanh thản?
Cách đây khá lâu, tôi có thấy trong catalog của một trung tâm giáo dục thanh niên ở một thành phố gần chổ tôi ở có quảng cáo một lớp học “cua gái”! Chuyện tầm phào như cua gái mà cũng được trung tâm giáo dục thanh niên dạy dỗ. Trong lúc đó chuyện trọng đại cho mỗi đời người là chuẩn bị như thế nào để cái chết được nhẹ nhàng thanh thản thì không thấy có đại học nào trên khắp thế giới dạy dỗ cả! Giá có một đại học nào đó mở lớp dạy các lão bà lão ông cách thức chuẩn bị để ra đi trong thanh thản thì hay biết mấy!
Trên 30 năm trước đây có một phim của Nhật, phim The Ballade of Narayama (Bài Ca Núi Narayama) – (1983) của đạo diễn Shohei Imamura, nói về truyền thống lên núi chờ chết của dân một làng dưới thung lũng thuộc tỉnh Shinshu.
Theo truyền thống của dân làng, những cụ già tới tuổi bẩy mươi phải được con trai cõng lên đỉnh núi Narayama để chờ chết ở trên đó, ai từ chối sẽ làm xấu mặt gia đình!
“Trong làng nếu cha mẹ đến 70 tuổi chưa chết, người con đầu phải cõng cha mẹ lên núi Narayama, bỏ họ lại ở đấy để chờ chết. Người mẹ già Orin cả đời vất vả đã 69 tuổi biết rằng đã đến lúc mình phải lên núi Narayama. Bà đã sống thọ lắm rồi và không muốn mình thành gánh nặng cho con. Thu xếp việc nhà xong, bà đập nát hàm răng còn tốt của mình vào đá để thuyết phục người con đầu Tatsuhei là bà giờ chẳng còn ích lợi gì cho con cháu. Tatsuhei đành cõng mẹ lên núi. ….”
Có một làng khác (mà tôi đã quên mất tên) cũng ở bên Nhật, những cụ bà già cả đến một cái tuổi nào đó, họ sẽ làm lễ tiễn biệt con cháu và dân làng và rồi một mình chống gậy leo lên đỉnh núi gần làng và sẽ ở mãi trên đó để chuẩn bị đón chờ cái chết! Các cụ bà coi cái chết nhẹ tựa lông chim hồng!
Tôi có quen một người lớn tuổi trước 1975 làm cùng một đơn vị quân đội. Khi về già, anh ta xin vào sống trong một ngôi chùa ở San Diego, CA. Tôi hỏi anh: “Già “hết xíu quách” rồi, tu hành còn có giá trị gì nữa không?” Anh ta giải bày: “Già rồi, tu hành chi đâu! Vào chùa sống, để chuẩn bị … ra đi trong thanh thản, bình an”!
Vào chùa sống, để chuẩn bị … chết, chết thanh thản, chết bình an! Hiển nhiên là tuyệt đại đa số các tu sĩ vào chùa tu không phải để chuẩn bị … ra đi trong thanh thản, bình an như anh bạn này.
Trước cái chết, cũng như đa số mọi người, tôi cũng thấy … ớn ớn! Không có truyền thống lên núi chờ chết như dân một làng gì đó ở nước Nhật, cũng không có quen một ngôi chùa nào đó có thể nhận một con chiên của Chúa vào sống để chuẩn bị ra đi trong thanh thản, nên tôi mới tìm hiểu … Thánh Kinh!
Khi nào tìm hiểu xong Thánh Kinh phần tổng quát, tôi sẽ bắt đầu đọc Thánh Kinh và đọc một cách chuyên sâu từ đầu đến cuối. Đọc để chuẩn bị trong tương lai khi ra đi, tôi cũng sẽ ra đi trong thanh thản, trong bình an khi có Thiên Chúa dẩn tay tôi đi!
II. Câu nói của cụ Phan Khôi về Thánh Kinh.
Gần 85 năm trước đây, ông Phan Khôi, người có công rất lớn trong công việc dịch Thánh Kinh sang tiếng Việt cho Hội Thánh Tin Lành VN (ấn bản 1926), đã viết trong bài Giới Thiệu Và Phê Bình Thánh Kinh Báo trên tờ Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 74 ra ngày 16/10/1930:
“Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá.”
Áp dụng cho tình hình dân trí của người Việt mình, giờ đây câu viết trên của tác giả “Ông Năm chuột” và là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn - Giai Phẩm (1956-1957) danh giá, vẫn thấy có lý! Nếu ông Phan Khôi còn sống đến hôm nay chắc ông vẫn còn “lấy làm tiếc” là “kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì”. Theo tôi biết ông Phan Khôi không phải là một tín đồ Kitô giáo, tuy trong 2 năm 1909-1911 ông có theo học trường trung học Pellerin (Bình Linh) ở Huế của các Frère dòng La Salle của Thiên Chúa Giáo. Ông Phan Khôi chỉ dịch thuê Kinh Thánh cho Hội Thánh Tin Lành. Ông Phan Khôi có một tấm lòng ái mộ đặc biệt đối với Phật Giáo.
Tôi có một anh bạn theo Phật Giáo. Đôi lúc nói chuyện anh hay nhắc đến Kinh Lăng Nghiêm của Phật giáo. Nghe anh nói chuyện về Kinh Lăng Nghiêm, tôi chẳng hiểu gì cả! Có lúc tò mò, tôi cũng thử vào internet đọc vài hàng Kinh Lăng Nghiêm! Tôi chỉ đọc vài hàng, rồi thôi, vì kinh này cực kỳ khó hiểu! Cũng có lúc tôi vào tìm đọc Kinh Trường A-Hàm, một sách trong bộ Tam Tạng Kinh Điển là thánh kinh của Phật Giáo, tôi thấy có nhiều, rất nhiều, từ rất khó hiểu. Mặc dù sách có chú giải một số từ nhưng có quá nhiều từ chuyên môn về Phật Giáo, người “ngoại đạo” như tôi thấy khó hiểu là dỉ nhiên. “Tam Tạng Kinh chứa đựng Những Lời Dạy của Đức Phật do chính Đức Phật nói ra hơn 45 năm, từ sau khi Người Giác Ngộ thành đạo cho đến khi Bát-Niết-bàn”. Nhiều lúc tôi mong ước có một TV Phật tử nào đó trong diễn đàn này giúp bạn đọc có chút ít tài liệu và hướng dẩn bạn đọc tìm hiểu một cách có hệ thống về các kinh quan trọng nhất của Phật Giáo.
Với các bạn không thờ kính Thiên Chúa, tôi hy vọng là loạt bài tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh này sẽ giúp các bạn có chút ít tài liệu để tìm hiểu về Thánh Kinh một cách khái quát, một cách tối thiểu. Hy vọng các bạn sẽ đọc để làm phong phú thêm kiến thức tổng quát của mình, đọc để hiểu các bạn bè Ki-tô giáo của mình hơn.
III. Quan điểm của các bài viết là quan điểm của một giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã.
Thánh Kinh là một bộ sách không phải là dễ hiểu. Nhiều câu trong Thánh Kinh có thể nói là bí hiểm! Muốn hiểu rõ Thánh Kinh, chúng ta cần biết về bối cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hoá và phong tục tập quán của thời các sách Thánh Kinh đã được viết. Đến nay đã có rất nhiều công trình tìm hiểu Thánh Kinh do các Linh mục, Giám mục hay các học giả về Thánh Kinh viết.
Bản thân tôi chỉ là một giáo dân Công Giáo bình bình, sáng tối chỉ đọc năm ba kinh tối thiểu, chủ nhật thì đi dự thánh lễ…, nhưng ai tát má bên trái tôi, tôi chưa thể đưa má bên phải cho họ tát tiếp như lời Chúa dạy được! Tuy là người theo “đạo dòng”, tôi chưa hề đọc trọn bộ Kinh Thánh từ đầu đến cuối, như 29% số người lớn Mỹ đen đã làm.
Nhiều tôn giáo thờ kính Thiên Chúa có dùng chung một số sách Thánh Kinh như Do Thái giáo, Giáo hội Công Giáo La Mã, Chính Thống giáo, Hội Thánh Tin Lành, và Anh giáo. Cách giải thích các sách Thánh Kinh của các tôn giáo này không hoàn toàn giống nhau 100%.
Quan điểm của các bài viết trong loạt bài “Tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh” này là quan điểm của một giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã.
IV. Mong nhận được các góp ý trên tinh thần xây dựng và học hỏi lẫn nhau.
Như đã nói ở trên, tôi chỉ là một người tìm hiểu Thánh Kinh một cách tài tử. Cho nên chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được góp ý của quý vị độc giả cùng niềm tin và cùng quan điểm: tin vào Thiên Chúa theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Chỉ mong nhận được các góp ý trên tinh thần xây dựng và học hỏi lẫn nhau.
Tôi sẽ không hoan nghênh các góp ý, nhất là các góp ý đả kích về tín lý hay thần học, của các bậc thức giả không cùng niềm tin và cũng không cùng quan điểm. Tôi cũng sẽ không hoan nghênh các góp ý của các bác chủ trương vô thần, góp ý chỉ với mục đích đả phá tôn giáo! Niềm tin của ai, người ấy giữ!
Với các góp ý trên tinh thần học hỏi và xây dựng, không trên tinh thần đả kích, dù các góp ý này từ các bạn không cùng một niềm tin hay từ ngay cả với các bạn vô thần, tôi cũng sẽ rất hoan nghênh.
Trong tôn giáo có rất nhiều mầu nhiệm không thể lý giải bằng lý trí được, chỉ có thể cảm nhận bằng niềm tin. Theo người Công Giáo tin tưởng, niềm tin này có được là do ân sủng của Chúa Thánh Thần ban riêng cho mỗi người và thái độ hợp tác, đáp ứng của người đó trước ân sủng này.
San Jose, tháng 3/2015
Trực Võ
***
Các bài viết sẽ đăng:
Bài 2: Thánh Kinh đại cương.
Bài 3: Các bản dịch của Thánh Kinh.
Bài 4: Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh.
Bài 5: So sánh các sách Thánh Kinh trong các tôn giáo thờ kính Thiên Chúa.
Bài 6: Trong Giáo hội Công Giáo La Mã, ai được quyền giải thích Thánh Kinh?
Bài 7: Các phương tiện dùng để tìm hiểu chuyên sâu Thánh Kinh.
Bài 8: Tóm tắt các điểm quan trọng của 46 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước trong Giáo hội Công Giáo.
Các chữ viết tắt sẽ dùng trong loạt bài này:
x. = Xin xem.
tCN = Trước Công Nguyên, hay trước khi Chúa Giê-su sinh ra.
sCN = Sau Công Nguyên, hay sau khi Chúa Giê-su sinh ra.
NPDCGKPV = Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Tài liệu tham khảo:
(1). Góp ý về ba từ Kinh Thánh, Thánh Kinh, Sách Thánh - từ nào đúng? - Nguyễn Long Thao:
http://www.vietcatholic.net/News/Html/85120.htm
(2). Thánh Kinh Hay Kinh Thánh? - Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ:
http://daichungvienvinhthanh.com/201...ay-kinh-thanh/
Bookmarks