Page 1 of 19 1234511 ... LastLast
Results 1 to 10 of 190

Thread: Tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh

  1. #1
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh

    “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô” (Thánh Jerome).

    Bài 1: Mục đích tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh.
    I. Mục đích tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh của người viết.
    II. Câu nói của cụ Phan Khôi về Thánh Kinh.
    III. Quan điểm của các bài viết là quan điểm của một giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã.
    IV. Mong nhận được các góp ý trên tinh thần xây dựng và học hỏi lẫn nhau.
    ***


    I. Mục đích tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh[1],[ 2] của người viết.
    Cuộc sống có ba mầu nhiệm mà đa số chúng ta ai cũng phải trải qua: tình yêu, sự đau khổ và cái chết. Trong ba mầu nhiệm đó, cái nào cũng đáng sợ cả, nhưng cái chết là cái đáng sợ nhất: đa số chúng ta ai ai cũng ngán, cũng sợ cái chết!

    Chết rồi đi đâu đã được nhiều tôn giáo lớn giải đáp. Vấn đề quan trọng muốn nói ở đây là chuẩn bị cho cái chết như thế nào để chết được nhẹ nhàng và thanh thản?
    Cách đây khá lâu, tôi có thấy trong catalog của một trung tâm giáo dục thanh niên ở một thành phố gần chổ tôi ở có quảng cáo một lớp học “cua gái”! Chuyện tầm phào như cua gái mà cũng được trung tâm giáo dục thanh niên dạy dỗ. Trong lúc đó chuyện trọng đại cho mỗi đời người là chuẩn bị như thế nào để cái chết được nhẹ nhàng thanh thản thì không thấy có đại học nào trên khắp thế giới dạy dỗ cả! Giá có một đại học nào đó mở lớp dạy các lão bà lão ông cách thức chuẩn bị để ra đi trong thanh thản thì hay biết mấy!

    Trên 30 năm trước đây có một phim của Nhật, phim The Ballade of Narayama (Bài Ca Núi Narayama) – (1983) của đạo diễn Shohei Imamura, nói về truyền thống lên núi chờ chết của dân một làng dưới thung lũng thuộc tỉnh Shinshu.
    Theo truyền thống của dân làng, những cụ già tới tuổi bẩy mươi phải được con trai cõng lên đỉnh núi Narayama để chờ chết ở trên đó, ai từ chối sẽ làm xấu mặt gia đình!

    “Trong làng nếu cha mẹ đến 70 tuổi chưa chết, người con đầu phải cõng cha mẹ lên núi Narayama, bỏ họ lại ở đấy để chờ chết. Người mẹ già Orin cả đời vất vả đã 69 tuổi biết rằng đã đến lúc mình phải lên núi Narayama. Bà đã sống thọ lắm rồi và không muốn mình thành gánh nặng cho con. Thu xếp việc nhà xong, bà đập nát hàm răng còn tốt của mình vào đá để thuyết phục người con đầu Tatsuhei là bà giờ chẳng còn ích lợi gì cho con cháu. Tatsuhei đành cõng mẹ lên núi. ….”


    Có một làng khác (mà tôi đã quên mất tên) cũng ở bên Nhật, những cụ bà già cả đến một cái tuổi nào đó, họ sẽ làm lễ tiễn biệt con cháu và dân làng và rồi một mình chống gậy leo lên đỉnh núi gần làng và sẽ ở mãi trên đó để chuẩn bị đón chờ cái chết! Các cụ bà coi cái chết nhẹ tựa lông chim hồng!

    Tôi có quen một người lớn tuổi trước 1975 làm cùng một đơn vị quân đội. Khi về già, anh ta xin vào sống trong một ngôi chùa ở San Diego, CA. Tôi hỏi anh: “Già “hết xíu quách” rồi, tu hành còn có giá trị gì nữa không?” Anh ta giải bày: “Già rồi, tu hành chi đâu! Vào chùa sống, để chuẩn bị … ra đi trong thanh thản, bình an”!

    Vào chùa sống, để chuẩn bị … chết, chết thanh thản, chết bình an! Hiển nhiên là tuyệt đại đa số các tu sĩ vào chùa tu không phải để chuẩn bị … ra đi trong thanh thản, bình an như anh bạn này.

    Trước cái chết, cũng như đa số mọi người, tôi cũng thấy … ớn ớn! Không có truyền thống lên núi chờ chết như dân một làng gì đó ở nước Nhật, cũng không có quen một ngôi chùa nào đó có thể nhận một con chiên của Chúa vào sống để chuẩn bị ra đi trong thanh thản, nên tôi mới tìm hiểu … Thánh Kinh!
    Khi nào tìm hiểu xong Thánh Kinh phần tổng quát, tôi sẽ bắt đầu đọc Thánh Kinh và đọc một cách chuyên sâu từ đầu đến cuối. Đọc để chuẩn bị trong tương lai khi ra đi, tôi cũng sẽ ra đi trong thanh thản, trong bình an khi có Thiên Chúa dẩn tay tôi đi!

    II. Câu nói của cụ Phan Khôi về Thánh Kinh.
    Gần 85 năm trước đây, ông Phan Khôi, người có công rất lớn trong công việc dịch Thánh Kinh sang tiếng Việt cho Hội Thánh Tin Lành VN (ấn bản 1926), đã viết trong bài Giới Thiệu Và Phê Bình Thánh Kinh Báo trên tờ Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 74 ra ngày 16/10/1930:

    “Hết thảy những nhà văn học Pháp dầu không theo đạo nữa cũng đều có học qua Kinh Thánh hết, bởi vì văn chương ở đó mà ra. Vậy mà thấy kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì, thì đáng lấy làm tiếc quá.”

    Áp dụng cho tình hình dân trí của người Việt mình, giờ đây câu viết trên của tác giả “Ông Năm chuột” và là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn - Giai Phẩm (1956-1957) danh giá, vẫn thấy có lý! Nếu ông Phan Khôi còn sống đến hôm nay chắc ông vẫn còn “lấy làm tiếc” là “kẻ học ở ta đây ít có người biết đến Kinh Thánh là gì”. Theo tôi biết ông Phan Khôi không phải là một tín đồ Kitô giáo, tuy trong 2 năm 1909-1911 ông có theo học trường trung học Pellerin (Bình Linh) ở Huế của các Frère dòng La Salle của Thiên Chúa Giáo. Ông Phan Khôi chỉ dịch thuê Kinh Thánh cho Hội Thánh Tin Lành. Ông Phan Khôi có một tấm lòng ái mộ đặc biệt đối với Phật Giáo.

    Tôi có một anh bạn theo Phật Giáo. Đôi lúc nói chuyện anh hay nhắc đến Kinh Lăng Nghiêm của Phật giáo. Nghe anh nói chuyện về Kinh Lăng Nghiêm, tôi chẳng hiểu gì cả! Có lúc tò mò, tôi cũng thử vào internet đọc vài hàng Kinh Lăng Nghiêm! Tôi chỉ đọc vài hàng, rồi thôi, vì kinh này cực kỳ khó hiểu! Cũng có lúc tôi vào tìm đọc Kinh Trường A-Hàm, một sách trong bộ Tam Tạng Kinh Điển là thánh kinh của Phật Giáo, tôi thấy có nhiều, rất nhiều, từ rất khó hiểu. Mặc dù sách có chú giải một số từ nhưng có quá nhiều từ chuyên môn về Phật Giáo, người “ngoại đạo” như tôi thấy khó hiểu là dỉ nhiên. “Tam Tạng Kinh chứa đựng Những Lời Dạy của Đức Phật do chính Đức Phật nói ra hơn 45 năm, từ sau khi Người Giác Ngộ thành đạo cho đến khi Bát-Niết-bàn”. Nhiều lúc tôi mong ước có một TV Phật tử nào đó trong diễn đàn này giúp bạn đọc có chút ít tài liệu và hướng dẩn bạn đọc tìm hiểu một cách có hệ thống về các kinh quan trọng nhất của Phật Giáo.

    Với các bạn không thờ kính Thiên Chúa, tôi hy vọng là loạt bài tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh này sẽ giúp các bạn có chút ít tài liệu để tìm hiểu về Thánh Kinh một cách khái quát, một cách tối thiểu. Hy vọng các bạn sẽ đọc để làm phong phú thêm kiến thức tổng quát của mình, đọc để hiểu các bạn bè Ki-tô giáo của mình hơn.

    III. Quan điểm của các bài viết là quan điểm của một giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã.
    Thánh Kinh là một bộ sách không phải là dễ hiểu. Nhiều câu trong Thánh Kinh có thể nói là bí hiểm! Muốn hiểu rõ Thánh Kinh, chúng ta cần biết về bối cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hoá và phong tục tập quán của thời các sách Thánh Kinh đã được viết. Đến nay đã có rất nhiều công trình tìm hiểu Thánh Kinh do các Linh mục, Giám mục hay các học giả về Thánh Kinh viết.

    Bản thân tôi chỉ là một giáo dân Công Giáo bình bình, sáng tối chỉ đọc năm ba kinh tối thiểu, chủ nhật thì đi dự thánh lễ…, nhưng ai tát má bên trái tôi, tôi chưa thể đưa má bên phải cho họ tát tiếp như lời Chúa dạy được! Tuy là người theo “đạo dòng”, tôi chưa hề đọc trọn bộ Kinh Thánh từ đầu đến cuối, như 29% số người lớn Mỹ đen đã làm.

    Nhiều tôn giáo thờ kính Thiên Chúa có dùng chung một số sách Thánh Kinh như Do Thái giáo, Giáo hội Công Giáo La Mã, Chính Thống giáo, Hội Thánh Tin Lành, và Anh giáo. Cách giải thích các sách Thánh Kinh của các tôn giáo này không hoàn toàn giống nhau 100%.
    Quan điểm của các bài viết trong loạt bài “Tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh” này là quan điểm của một giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã.

    IV. Mong nhận được các góp ý trên tinh thần xây dựng và học hỏi lẫn nhau.
    Như đã nói ở trên, tôi chỉ là một người tìm hiểu Thánh Kinh một cách tài tử. Cho nên chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được góp ý của quý vị độc giả cùng niềm tin và cùng quan điểm: tin vào Thiên Chúa theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Chỉ mong nhận được các góp ý trên tinh thần xây dựng và học hỏi lẫn nhau.

    Tôi sẽ không hoan nghênh các góp ý, nhất là các góp ý đả kích về tín lý hay thần học, của các bậc thức giả không cùng niềm tin và cũng không cùng quan điểm. Tôi cũng sẽ không hoan nghênh các góp ý của các bác chủ trương vô thần, góp ý chỉ với mục đích đả phá tôn giáo! Niềm tin của ai, người ấy giữ!

    Với các góp ý trên tinh thần học hỏi và xây dựng, không trên tinh thần đả kích, dù các góp ý này từ các bạn không cùng một niềm tin hay từ ngay cả với các bạn vô thần, tôi cũng sẽ rất hoan nghênh.

    Trong tôn giáo có rất nhiều mầu nhiệm không thể lý giải bằng lý trí được, chỉ có thể cảm nhận bằng niềm tin. Theo người Công Giáo tin tưởng, niềm tin này có được là do ân sủng của Chúa Thánh Thần ban riêng cho mỗi người và thái độ hợp tác, đáp ứng của người đó trước ân sủng này.

    San Jose, tháng 3/2015
    Trực Võ
    ***

    Các bài viết sẽ đăng:
    Bài 2: Thánh Kinh đại cương.
    Bài 3: Các bản dịch của Thánh Kinh.
    Bài 4: Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh.
    Bài 5: So sánh các sách Thánh Kinh trong các tôn giáo thờ kính Thiên Chúa.
    Bài 6: Trong Giáo hội Công Giáo La Mã, ai được quyền giải thích Thánh Kinh?
    Bài 7: Các phương tiện dùng để tìm hiểu chuyên sâu Thánh Kinh.
    Bài 8: Tóm tắt các điểm quan trọng của 46 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước trong Giáo hội Công Giáo.

    Các chữ viết tắt sẽ dùng trong loạt bài này:
    x. = Xin xem.
    tCN = Trước Công Nguyên, hay trước khi Chúa Giê-su sinh ra.
    sCN = Sau Công Nguyên, hay sau khi Chúa Giê-su sinh ra.
    NPDCGKPV = Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

    Tài liệu tham khảo:
    (1). Góp ý về ba từ Kinh Thánh, Thánh Kinh, Sách Thánh - từ nào đúng? - Nguyễn Long Thao:
    http://www.vietcatholic.net/News/Html/85120.htm
    (2). Thánh Kinh Hay Kinh Thánh? - Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ:
    http://daichungvienvinhthanh.com/201...ay-kinh-thanh/
    Last edited by Truc Vo; 19-03-2015 at 05:32 AM.

  2. #2
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 2: Thánh Kinh đại cương

    Bài 2: Thánh Kinh đại cương

    I. Thánh Kinh là gì?
    II. Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước.
    III. Nội dung vắn tắt các sách Thánh Kinh.
    IV. Tác giả và thời điểm sáng tác các Sách Thánh
    V. Phân chia chương và đánh số câu trong mỗi chương cho Kinh Thánh.
    VI. Chữ viết tắt các sách Thánh Kinh tiếng Việt và tiếng Anh.
    VII. Trong Kinh Thánh: Tên tắt của các sách, các chương và các câu được viết thế nào?
    VIII. Kinh Thánh là sách bán chạy nhất trong mọi thời đại.
    IX. Một số dữ liệu của Kinh Thánh.
    X. Các từ cần hiểu rõ trong việc tìm hiểu Thánh Kinh.
    ***

    I. Thánh Kinh là gì?
    Trong website Thư Viện Tin Lành, với bài viết “Vài Nét Về Kinh Thánh” Phước Nguyên đã giải thích từ Thánh Kinh khá hoàn chỉnh như sau:
    “Danh từ Kinh Thánh, hay Thánh Kinh, trong tiếng Việt được dịch từ chữ Holy Bible trong tiếng Anh. Chữ bible trong tiếng Anh xuất phát từ chữ biblia trong tiếng La Tinh, hay βιβλία trong tiếng Hy Lạp. Đây là một danh từ mô tả số nhiều, trung tính, có nghĩa là “những cuốn sách”.
    Trong tiếng La Tinh, chữ biblia xuất phát từ chữ biblos (βιβλίον – Hy Lạp). Chữ biblos là từ ngữ chỉ phần bên trong của cây papyrus, là nguyên liệu được người Ai Cập chế biến để làm giấy; do đó chữ biblos có nghĩa là “giấy”. Vì giấy được sản xuất vào thời đó được cuộn tròn cho nên từ ngữ này còn có nghĩa là “quyển”. Về sau danh từ biblos được dùng phổ biến với nghĩa là “sách”.
    Đến thế kỷ thứ IV, chữ sacra được thêm vào nên từ ngữ biblia sacra có nghĩa là “những sách thánh.”
    Do tính nhất quán của tất cả các sách trong Thánh Kinh được nhấn mạnh nên chữ biblia sau đó đã được chuyển từ danh từ số nhiều sang danh từ số ít; vì thế ý nghĩa của chữ biblia sacra trở thành “sách thánh,” và chữ “những” không còn nữa.
    Trong danh từ Hán Việt, các sách tôn giáo dạy đạo lý được gọi là kinh; cho nên chữ biblia sacra khi được dịch sang tiếng Việt đã được các dịch giả gọi là Kinh Thánh.”


    Kinh Thánh là bộ sách ghi lại những lời Thiên Chúa nói và những việc Thiên Chúa làm nhằm hướng dẫn nhân loại sống theo chân lý, để loài người được phần rỗi đời đời trên Thiên đàng. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, điều 81, định nghĩa "Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng* của Chúa Thánh Thần". (Xin xem ý nghĩa các từ có đánh dấu hoa thị (*) trong phần “Các từ cần hiểu rõ trong việc tìm hiểu Thánh Kinh” ở cuối bài viết.)

    II. Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước
    Thánh Kinh gồm có hai phần: Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament).
    Testament là gì? Theo từ điển Merriam-Webster, "Testament is a covenant between God and the human race" (Xin tạm dịch “Testament” là một giao ước giữa Thiên Chúa và loài người.)
    Giao Ước* (Covenant) là gì? Trong bài “Thánh Thể Là Giao Ước Mới”, Học Viện Thánh Thể viết: “Theo nghĩa Kinh Thánh, thì giao ước là một thỏa thuận giữa hai bên, được thiết lập và đóng ấn bằng một lễ nghi công khai và long trọng. Trong giao ước, mỗi bên được hưởng một số quyền lợi và phải thi hành một số bổn phận”. Giao ước có ý nghĩa tương tợ như “hợp đồng” hay “giao kèo”.

    Theo Thần Học Giao Ước (Covenantal Theology - Roman Catholic) của Giáo Hội Công Giáo La mã, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người được thực hiện qua 7 giao ước chính đã được nói đến trong Kinh Thánh. Đó là giao ước về Vườn Địa Đàng (Eden), các giao ước với các ông Adam, Nô-ê, Áp-ra-ham, Mô-sê (giao ước này còn được gọi là giao ước Sinai vì được “ký kết” ở bán đảo Sinai của Ai cập), giao ước với vua Đa-vít (David) và giao ước qua trung gian là Chúa Giê-su Ki-tô, hay Messia. Theo tiếng Do Thái, Messiah hay Messia có nghĩa là "Người được xức dầu". Trong Ki-tô giáo, Messia được hiểu là Chúa Giê-su Ki-tô.
    Sáu giao ước đầu được gọi là các giao ước cũ và giao ước sau cùng được gọi là Giao Ước Mới. Ta có thể nói Kinh Thánh là bộ sách nói về các giao ước giữa Thiên Chúa và loài người.

    Old Testament dịch sang tiếng Việt là Cựu Ước. Cựu có nghĩa là cũ và Ước có nghĩa là Giao Ước. Cựu Ước là các sách nói về các Giao Ước cũ theo đó Thiên Chúa ký kết với dân tộc Israel hay với toàn thể loài người; Cựu Ước là những sách được viết trước khi Chúa Giêsu giáng sinh (tCN = trước Công Nguyên).

    New Testament dịch sang tiếng Việt là Tân Ước. Tân Ước là các sách nói về Giao Ước Mới theo đó Thiên Chúa ký kết với toàn thể dân của Người; Tân Ước là những sách được viết sau khi Chúa Giêsu giáng sinh (sCN = sau Công Nguyên).

    Theo quy điển* của Giáo Hội Công Giáo La Mã, Cựu Ước gồm 46 quyển và được phân chia ra 4 loại sau đây, với tên tiếng Anh cho trong ngoặc đơn, (có mục đích giúp các bạn trẻ chưa thông thạo Việt Ngữ tiện theo dõi hay tham khảo thêm khi cần):
    1. Ngũ Thư, hay các Sách Lề Luật:
    Sáng thế (Genesis), Xuất hành (Exodus), Lê-vi (Leviticus), Dân số (Numbers), Đệ nhị luật (Deuteronomy).
    2. Các Sách Lịch Sử:
    Giô-suê (Joshua), Thủ lãnh (Judges), Rút (Ruth), 1 Sa-mu-en (1 Samuel), 2 Sa-mu-en (2 Samuel), 1 Vua (1 Kings), 2 Vua (2 Kings), 1 Sử biên niên (1 Chronicles), 2 Sử biên niên (2 Chronicles), Ét-ra (Ezra), Nơ-khe-mi-a (Nehemiah), Tô-bi-a (Tobit), Giu-đi-tha (Judith), Ét-te (Esther), 1 Ma-ca-bê (1 Maccabees), 2 Ma-ca-bê (2 Maccabees).
    3. Các Sách Giáo Huấn:
    Gióp (Job), Thánh vịnh (Psalms), Châm ngôn (Proverbs), Giảng viên (Ecclesiastes), Diễm ca (Song of Songs), Khôn ngoan (Wisdom, or Wisdom of Solomon), Huấn ca (Sirach, or Wisdom of Ben Sira, or Ecclesiasticus).
    4. Các Ngôn Sứ*, hay Tiên Tri*:
    I-sai-a (Isaiah), Giê-rê-mi-a (Jeremiah), Ai ca (Lamentations), Ba-rúc (Baruch), Ê-dê-ki-en (Ezekiel), Đa-ni-en (Daniel), Hô-sê (Hosea), Giô-en (Joel), A-mốt (Amos), Ô-va-đi-a (Obadiah), Giô-na (Jonah), Mi-kha (Micah), Na-khum (Nahum), Ba-rúc (Baruch), Xô-phô-ni-a (Zephaniah), Khác-gai (Haggai), Da-ca-ri-a (Zechariah) và Ma-la-khi (Malachi).

    Theo Giáo Hội Tin Lành, Cựu Ước chỉ có 39 quyển. Bảy sách sau đây có trong quy điển của Giáo Hội Công Giáo La Mã, nhưng không có trong quy điển của Giáo Hội Tin Lành: Tô-bi-a, Giu-đi-tha, 1 Ma-ca-bê, 2 Ma-ca-bê, Khôn ngoan, Huấn ca và Ba-rúc.

    Theo quy điển của Giáo Hội Công Giáo La Mã, Tân Ước gồm 27 quyển và được phân chia ra 4 loại sau đây:
    1. Các Sách Tin Mừng, hay còn gọi là Phúc Âm:
    Mát-thêu (Matthew), Mác-cô (Mark), Lu-ca (Luke), Gio-an (John).
    2. Sách Lịch Sử Tôn Giáo: Công vụ Tông Đồ* (Acts of the Apostles).
    3. Các Thư Tôn Giáo Chính Thức, hay Giáo Huấn:
    a. Mười bốn thư của thánh Phao-lô (Paul) gởi cho các giáo đoàn hay các cá nhân riêng biệt: Rô-ma (Romans),1 Cô-rin-tô (1 Corinthians), 2 Cô-rin-tô (2 Corinthians), Ga-lát (Galatians), Ê-phê-xô (Ephesians), Phi-líp-phê (Philippians), Cô-lô-xê (Colossians), 1 Thê-xa-lô-ni-ca (1 Thessalonians), 2 Thê-xa-lô-ni-ca (2 Thessalonians), 1 Ti-mô-thê (1 Timothy), 2 Ti-mô-thê (2 Timothy), Ti-tô (Titus), Phi-lê-môn (Philemon), Híp-ri (Hebrews).
    b. Thư chung của thánh Gia-cô-bê (James).
    c. Hai thư chung của thánh Phê-rô (Peter): 1 Phê-rô (1 Peter), 2 Phê-rô (2 Peter).
    d. Ba thư chung của thánh Gio-an (John): 1 Gio-an (1 John), 2 Gio-an (2 John), 3 Gio-an (3 John).
    e. Thư chung của thánh Giu-đa (Jude).
    4. Sách Tiên Tri: Khải Huyền (Revelation).

    Tân Ước trong Giáo Hội Tin Lành cũng có 27 quyển như trong Giáo Hội Công Giáo La Mã.

    Tên sách tiếng Việt của Thánh Kinh nói trên là tên sách do Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ dịch. Tên sách tiếng Việt của Thánh Kinh có khác nhau nếu do các dịch giả khác, cũng thuộc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dịch, hay do anh em Tin Lành Việt Nam dịch.
    Trong tiếng Việt, chúng ta có thể dùng các từ Thánh Kinh, Kinh Thánh hay Sách Thánh.
    (Còn tiếp)

  3. #3
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 2: Thánh Kinh đại cương

    (Tiếp theo Bài 2)

    III. Nội Dung Vắn Tắt Các Sách Thánh Kinh
    Trong bài viết “Tóm Tắt Thánh Kinh”, GB. Trần Ngọc Long đã tóm tắt nội dung vắn tắt 73 sách Thánh Kinh như sau đây.
    Một số tên sách và chữ viết tắt trong bài gốc đã được sửa lại cho phù hợp với các tên sách và các chữ viết tắt trong bài viết này. Tên sách và chữ viết tắt đã được sửa lại được in đậm và để sau dấu gạch chéo (/) sau các tên trong bài gốc như sau:
    Lêvi (Lv)/Lê-vi (Lv), I Sa-mu-en (Sm)/I Sa-mu-en (1 Sm), II Sa-mu-en (Sm)/II Sa-mu-en (2 Sm), I và II Sử biên niên (Sb)/I và II Sử biên niên (1 Sb và 2 Sb), II Ma-ca-bê (II Mcb)/II Ma-ca-bê (2 Mcb), Isaia (Is)/I-sai-a (Is), Mathêu (Mt)/Mát-thêu (Mt), Macô (Mc)/Mác-cô (Mc), Luca (Lc)/Lu-ca (Lc), Gioan (Ga)/Gio-an (Ga), Rôma (Rm)/Rô-ma (Rm), I & II Cô-rin-tô (Cr)/I & II Cô-rin-tô (1 Cr và 2 Cr), I Thê-xa-lô-ni-ca (Tx)/I Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx), II Thê-xa-lô-ni-ca (Tx)/II Thê-xa-lô-ni-ca (2 Tx), I Timôthê (Tm)/I Ti-mô-thê (1 Tm), II Ti-mô-thê (Tm)/II Ti-mô-thê (2 Tm), Do Thái (Dt)/Híp-ri (Hr), I Phêrô (1 Pr)/I Phê-rô (1 Pr), II Phêrô (2 Pr)/II Phê-rô (2 Pr), I, II, III Gioan (Ga)/I, II, III Gio-an (1 Ga, (2 Ga, (3 Ga) và Giuđa (Gđ)/Giu-đa (Gđ).

    (Bắt đầu trích bài viết của Trần Ngọc Long)
    “1. Sách Sáng thế (St): Trình bày lịch sử sơ khai của vũ trụ và nguồn gốc loài người làm khởi điểm cho hành trình lịch sử cứu độ, mà Thiên Chúa đã từng bước thực hiện nơi dân tộc Do Thái là dân riêng của Người.

    2. Sách Xuất hành (Xh): Sách xuất hành kể lại việc Thiên Chúa giải phóng dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập; cuộc hành trình trong sa mạc và việc Thiên Chúa kết giao ước với dân riêng của Người trên núi Sinai.

    3. Sách Lê-vi (Lv): Trình thuật những nghi thức tế tự, và phong chức các tư tế*; những luật lệ liên quan đến việc thanh sạch và uế tạp; nghi thức về ngày đại xá tội và lời chúc lành, chúc dữ; định rõ những điều kiện để chuộc người, vật và các thứ khác hiến dâng cho Thiên Chúa.

    4. Sách Dân số (Ds): Ghi lại những biến cố của cuộc hành trình trong sa mạc, cuộc khởi hành trên núi Sinai được sửa soạn bởi việc kiểm tra dân số; việc đánh chiếm các dân trên đường tiến về đất hứa và việc định cư tại đất Canaan.

    5. Sách Đệ Nhị Luật (Đnl): Đây là bản dân luật và luật tôn giáo do Môsê soạn tác. Trong sách này ghi lại một phần các lề luật được ban trên núi Sinai; đồng thời nhắc lại những biến cố chính trong sa mạc và mặc cho nó một ý nghĩa tôn giáo, hầu thôi thúc dân trung tín với Thiên Chúa.

    6. Sách Giô-suê (Gs): Kể lại cuộc đời của một vị tướng tên là Giô-suê, từ lúc lãnh đạo dân đánh chiếm Đất hứa và phân chia đất đai; cho đến những diễn từ cuối đời của Giô-suê, nhất là đại hội tại Sikhem.

    7. Sách Thủ lãnh (Tl): Sách kể lại việc các chi tộc Israel lập cư ở Canaan, nhất là giới thiệu về hoạt động của những thẩm phán đã được Thiên Chúa chọn cách đặc biệt để hướng dẫn và giải thoát dân riêng của Người.

    8. Sách Rút (R): Kể về câu chuyện một thiếu phụ người Mô-áp tên là Rút, chồng bà quê ở Belem sang lập cư ở Mô-áp. Sau khi chồng chết bà đã trở về Giuđa với mẹ chồng là bà No-ê-mi và đã cưới Bo-as một người bà con của chồng. Câu chuyện trên đây xây dựng với một mục đích ca ngợi lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng xót thương cả người ngoại bang. Sự kiện Rút được nhìn nhận là tổ mẫu của Đavít đã đem lại cho quyển sách một giá trị đặc biệt, và thánh Má-thêu đã ghi tên bà Rút vào gia phả của Chúa Giêsu.

    9. Sách I Sa-mu-en (1 Sm): Nói về sự ra đời của vị thẩm phán cuối cùng trong dân tộc Israel có tên gọi là Samuel, mở màng cho chế độ vương quyền; đồng thời tường thuật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi sự đe doạ của dân Philitinh và dân A-ma-lếch.

    10. Sách II Sa-mu-en (2 Sm): Ghi lại những kết quả chính trị của triều đại Đavít: quân Philitinh bị đẩy lui vĩnh viễn, việc thống nhất đất nước được hoàn toàn, Giêrusalem trở thành kinh đô chính trị và tôn giáo của vương quốc.

    11. Sách I Vua (1 V): Sách các vua ghi lại lịch sử của một dân tộc được Thiên Chúa cứu thoát; đồng thời cũng cho thấy thái độ vô ơn của dân được tuyển chọn. Sự sụp đổ của dân tộc xem ra đã làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa; nhưng người ta thấy luôn luôn có một nhóm trung tín không chịu quỳ gối trước Ba-an, một số sót của Si-on trung tín với giao ước của Giavê.

    12. Sách II Vua (2 V): Ghi lại những nét thăng trầm của lịch sử Israel, sự xuất hiện can thiệp của các tiên tri* đối với các vua, giúp cho dân chúng thức tỉnh tinh thần quốc gia và cuộc cải cách tôn giáo. Sự sụp đổ Giêrusalem và đợt đi đầy thứ hai.

    13. Sách I và II Sử biên niên (1 Sb và 2 Sb): Là cuốn sách ghi lại những sự việc của Do Thái giáo vào thời kỳ sau lưu đầy trước năm 300. Tác giả là một người Lêvi nhắc lại cho những người dân cùng thời rằng: đời sống của dân tộc tuỳ thuộc vào sự trung thành với Thiên Chúa. Việc trung thành này hệ tại ở việc tuân giữ lề luật của Chúa và bằng việc phụng thờ Thiên Chúa với lòng đạo đức chân thật.

    14. Sách Ét-ra (Er) và Nơ-khe-mi-a (Nkm): Là sách miêu tả sự trở về Giêrusalem giữa những đổ nát sau cuộc lưu đày, việc xây dựng lại thành thánh và cộng đoàn. Hơn thế nữa, tác giả xác tín rằng đền thờ* là dấu chỉ hiện hữu của Thiên Chúa. Cho nên, con người phải biết lo chu toàn việc phụng thờ Thiên Chúa. Ét-ra và Nơ-khe-mi-a là hai vị lãnh đạo đã khôi phục lại Giêrusalem, đền thờ, luật Môsê, việc phụng tự và sự trung thành với nòi giống.

    15. Sách Tô-bi-a (Tb): Là một câu chuyện gia đình Ninivê được Thiên Chúa quan phòng yêu thương. Qua đó tác giả muốn khai triển một ý niệm rất cao trong tinh thần Kitô giáo về hôn nhân: nếu tin tưởng và sống theo đường lối của Thiên Chúa thì sẽ được Ngài che chở và yêu thương.

    16. Sách Giu-đi-tha (Gđt): Sách Giu-đi-tha là câu chuyện về một cuộc toàn thắng của dân Israel trên quân thù là đế quốc Assur, qua sự can thiệp của một người đàn bà tên là Giu-đi-tha. Sự toàn thắng của Giu-đi-tha là phần thưởng cho lời cầu xin và việc tuân giữ luật thanh sạch. Sách đã được viết tại Phalêtin vào giữa thế kỷ thứ II trước công nguyên.

    17. Sách Ét-te (Et): Kể chuyện một cuộc giải thoát nhờ một người đàn bà tên là Ét-te. Dân Do Thái tại đế quốc Batư bi đe doạ tiêu diệt do sự ghen ghét của quan Đại Thần tên là Aman, nhưng đã được cứu thoát nhờ sự can thiệp của Ét-te; một người đồng hương đã trở thành Hoàng Hậu được người cậu là Marđôkê hướng dẫn. Một sự đảo lộn tình thế diễn ra: Aman bị treo cổ, Marđôkê thay chỗ, người Do Thái tàn sát kẻ thù.

    18. Sách I Ma-ca-bê (1 Mcb): Tác giả Macabê là một người Do Thái nhiệt thành với lòng tin vào Thiên Chúa, đã xem những khốn cùng và thất bại của Israel như một trừng phạt tội lỗi mà lòng xót thương của Thiên Chúa muốn dùng sửa trị dân; đồng thời tác giả coi những thành công của các nhân vật là do sự trợ giúp của Thiên Chúa.

    19. Sách II Ma-ca-bê (2 Mcb): Không phải là một tác phẩm tiếp theo của Ma-ca-bê I. Sách kể lại cuộc chiến tranh giải phóng do Giu-đa Ma-ca-bê lãnh đạo, được ơn thiêng liêng nâng đỡ và toàn thắng nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa. Sách Ma-ca-bê II quả quyết về vấn đề người chết sống lại, những hình phạt đời sau, lời cầu nguyện cho kể chết và công trạng của những người tử vì đạo.

    20. Sách Gióp (G): Sách kể về cuộc đời của một con người có tên là Gióp, đã bị thử thách trăm triều: trước sự tấn công của Satan, của gia đình, của bạn bè. Nhưng ông đã vượt thắng được tất cả nhờ có lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu.

    21. Thánh vịnh (Tv): Thánh vịnh là những lời cầu nguyện của Cựu ước. Chính Thiên Chúa đã gợi lên những tâm tình con cái Người phải có đối với Người, và cũng là những lời con người phải dùng để ngõ cùng Thiên Chúa.

    22. Sách Châm ngôn (Cn): Nói về việc Thiên Chúa ân thưởng sự chân thật, bác ái, sự trong sạch của lòng trí, và đức khiêm nhường; đồng thời Chúa cũng xử phạt những ai sống giả dối, ích kỷ, kêu ngạo và lòng trí xấu xa. Nguồn gốc và tóm lược của tất cả các nhân đức là sự khôn ngoan.

    23. Sách Giảng viên (Gv): Ghi lại những lời của Cohelet con của Đavít vua Gierusalem. Trước những hiểu biết, của cải, tình yêu và sự sống; tất cả điều làm cho con người thất vọng khi đứng trước sự chết. Nhưng Cohelet không ngỡ ngàng trước thế thái nhân tình đó, vì mọi sự đều do Thiên Chúa qui định và con người phải đón nhận từ bàn tay Ngài những thử thách cũng như những vui mừng; con người phải tuân giữ các lệnh truyền và kính sợ Thiên Chúa.

    24. Sách Diễm ca (Dc): Được xếp vào loại sách khôn ngoan, vì đã đề cập tới như những sách khôn ngoan khác, thân phận của con người. Đến một trong những khía cạnh cốt thiết của con người. Theo cách diễn tả của mình. Diễm ca giáo dục người đọc về sự tốt lành và phẩm giá của tình yêu giữa người nam và người nữ.

    25. Sách Khôn ngoan (Kn): Salômôn được kể là tác giả của sách. Ông đã nêu lên vai trò của khôn ngoan trong vận mệnh con người và so sánh số phận của người công chính với kẻ gian ác, trong cuộc sống sau khi chết. Ông cũng trình bày về nguồn, bản chất của khôn ngoan và những cách thức thu thập khôn ngoan. Cuối cùng ông đã ca ngợi hành động khôn ngoan của Thiên Chúa trong lịch sử dân Israel.

    26. Sách Huấn ca (Hc): Là quyển sách nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa do Ben Sira rao giảng. Khởi đầu của khôn ngoan là kính sợ Thiên Chúa, khôn ngoan đem lại tươi trẻ và hạnh phúc. Ben Sira tin ở sự thưởng phạt, cảm thấy tầm quan trọng bi đát của giờ chết; nhưng ông chưa biết Thiên Chúa sẽ trả lại cho mọi người theo hành động của họ thế nào? Tác giả đã đồng nhất khôn ngoan với lề luật được Môsê loan báo.

    27. Sách Ngôn sứ* I-sai-a (Is): Tiên tri Isaia luôn ý thức về sứ vụ ngôn sứ của Chúa trao cho ông trong đền thờ. Ông sống niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa là Đấng Thánh, Đấng Quyền Năng, là Vua. Ông luôn hy vọng vào “số sót” trong dòng tộc Đavít sẽ được Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc.

    28. Sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr): Đây là một bộ tự thuật của tiên tri* Giêrêmia đã mạnh mẽ giống tiếng cảnh tỉnh dân tộc của mình phải trung thành với Thiên Chúa không được chạy theo các thần ngoại lai; đồng thời ông cũng can đảm vạch rõ những lỗi lầm bất tài của vua Israel. Mặc dù sứ vụ Giêrêmia đã thất bại lúc sinh tiền, nhưng dung mạo của ông vẫn không ngừng lớn lên sau khi ông chết.

    29. Sách Ai-ca (Ac): Sách Ai-ca dành cho ngày kỷ niệm đền thở bị phá huỷ; gồm các bài “điếu tang”, than khóc. Đây là những lời than khóc cảnh hoang tàn và bi đát của thành Giêrusalem. Chính lòng trông cậy kiên vững vào Thiên Chúa trong nỗi đau đớn tuyệt vọng của con người làm nên giá trị bất hữu của những bản ai ca này.

    30. Sách Ê-dê-ki-en (Ed): Đây là bộ sách ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của một vị tiên tri sống trong thời kỳ lưu đầy. Qua những thử thách kinh nghiệm riêng tư mà Thiên Chúa đã gởi đến cho ông, cũng là những dấu chỉ cho dân Israel. Ong loan báo Đấng Mêssia sẽ đến thưởng phạt xét xử tuỳ theo việc làm của mỗi người.

    31. Sách Đa-ni-en (Đn): Sách có mục đích nâng đỡ lòng tin và niềm cậy trông của các người Do Thái bị Antiôkhô Ephiphanê bách hại. Đanien và các bạn của ông đã trải qua những thử thách như họ; nhưng các ông đã vượt thắng và những kẻ ra tay bách hại đã phải nhìn nhận quyền năng Thiên Chúa đích thực.

    32. Sách Ba-rúc (Br): Cho chúng ta biết về đời sống tôn giáo của người Do Thái ở các cộng đoàn hải ngoại và ảnh hưởng mạnh mẽ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đối với dân Do Thái sau biến cố thảm khốc mất thành thánh.

    33. Sách A-mốt (Am): A-mốt là một mục tử tại Tơqoa được Thiên Chúa sai đi nói tiên tri dưới thời Giêrôbôam II (783-743). Nhân danh Thiên Chúa, Amốt đã lên án cuộc sống của những người dân thành thị, những bất công xã hội, những nghi lễ không hồn. Thiên Chúa sẽ sửa phạt và Ngài sẽ cứu thoát nhà Giacóp.

    34. Sách Hô-se (Hs): Hô-sê quê ở phía bắc sinh sống cùng thời với Amốt. Hô-sê là người đầu tiên đã diễn tả những liên lạc giữa Giavê và Israel trong ngôn ngữ của một cuộc hôn nhân. Ong nhấn mạnh về tình thương Thiên Chúa không được dân Người đón nhận hay đã được đáp lại bằng những bội phản.

    35. Sách Mi-kha (Mk): Là người Giuđa quê ở Môrêshêr ông thi hành sứ vụ tiên tri trong những năm 712-701. Mikha có một ý thức rõ rệt về ơn gọi tiên tri của mình, ông loan báo những tai ương xảy tới do tội tôn giáo và tội luân lý. Nhưng Mikha vẫn hé mở hy vọng về sự cứu thoát của Giavê.

    36. Sách Xô-phô-ni-a (Xp): đã rao giảng dưới triều đại Yôsya 640-609. Ong loan báo về hình phạt Giavê sẽ giáng xuống trên dân Israel về lỗi lầm tôn giáo và luân lý do lòng kiêu ngạo và bất phục tùng; nhằm đưa dân về lại con đường vâng phục và khiêm tốn. Sự cứu rỗi chỉ được hứa ban cho một “số sót” khiêm tốn.

    37. Sách Na-khum (Nk): Thi hành sứ vụ tiên tri trong khi dân Israel đánh chiếm Ninivê 612. Sự sụp đổ của Ninivê là một án Thiên Chúa phạt kẻ phá hoại kế đồ của Người. Lời tiên tri nói thay lòng căm tức của Israel đối với kẻ thù truyền kiếp là Assur; đồng thời nói về sự công chính và lòng tin của dân đối với Thiên Chúa.

    38. Sách Kha-ba-cúc (Kb): Thi hành sứ vụ tiên tri đồng thời với Nakhum và Giêrêmia, Habacúc đã đem lại một nét mới mẻ trong cách giáo lý của các tiên tri; Thiên Chúa toàn năng chuẩn bị cho sự toàn thắng cuối cùng của kẻ chính trực công chính sẽ được sống bằng sự trung tín của mình.

    39. Sách Khác-gai (Kg): Nói những lời khích lệ với dân Israel trong việc khôi phục lại đất nước sau thời lưu đầy vào khoảng tháng 8 tới tháng 12 năm 520. Việc xây dựng đền thờ sẽ đem lại kỷ nguyên của thịnh vượng và là điều kiện để Giavê ngự đến ở với dân Người. Như thế thời cứu chuộc cánh chung đã hé mở.

    40. Sách Da-ca-ri-a (Dcr): Viết sách vào khoảng từ tháng 10 năm 520 đến tháng 2 năm 519. Ông chú trọng đến việc tái thiết đền thờ; nhưng ông cũng nhấn mạnh đến việc tái thiết quốc gia bằng sự tinh sạch và luân lý. Dacaria cũng loan báo cách bí nhiệm về sự phục hưng của nhà Đavít và về Đấng bị đâm thâu.

    41. Sách Ma-la-khi (Ml): Thi hành sứ vụ tiên tri vào những năm 514-445. Malakhi nói đến những lỗi lầm về tế tự và tín hữu; nạn hôn nhân dị biệt và ly dị đồng thời ông cũng loan báo về ngày Giavê sẽ thanh luyện những kẻ gian ác và ban phần thưởng cho những người công chính.

    42. Sách Ô-va-đi-a (Ôv): Là sách ngắn nhất trong các sách tiên tri chỉ có 21 câu. Ông loan báo về hình phạt E-đom và lời hứa Thiên Chúa sẽ cứu độ trong ngày chung thẩm.

    43. Sách Giô-en (Ge): Xuất hiện sau thời lưu đầy, ông loan báo nạn cào cào châu chấu sẽ tàn phá Giuđa đưa đến một nghi lễ phụng vụ tang chay và khẩn nài; ông cũng nói về cuộc phán xét các dân tộc và sự toàn thắng của dân Israel.

    44. Sách Gio-na (Gn): Sách ghi lại câu chuyện của một tiên tri bất tuân muốn tránh sứ vụ tiên tri của mình. Sách có mục đích giáo huấn cho những đe doạ là những biểu hiện của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng chỉ chờ một dấu hối cải để ban ơn tha thứ.

    45. Tin Mừng Mát-thêu (Mt): Nói về gốc tích và những năm tháng đầu đời của Chúa Giêsu và Ngài đi rao giảng Tin mừng Nước Trời, các mầu nhiệm Nước Trời cũng như Nước đã gần đến. Cuối cùng là nói đến cuộc thương khó và phục sinh của Ngài.

    46. Tin Mừng Mác-cô (Mc): Tường thuật lại sự kiện Giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu; nhắc đến sứ mạng dọn đường của Gioan Tẩy Giả và việc Chúa Giêsu chịu phép rửa và chịu cám dỗ. Ngoài ra, Thánh sử* Mácô nhấn mạnh đến sự tương quan của Chúa Giêsu với mọi người và hé mở mầu nhiệm Con Người Đức Kitô, đến trần gian diễn tả tình yêu qua biến cố tử nạn và phục sinh.

    47. Tin Mừng Lu-ca (Lc): Tin Mừng Thánh Luca đặc biệt nhấn mạnh đến lòng thương xót, bao dung, tha thứ của Đức Kitô. Đặc biệt là các giáo huấn của Chúa Giêsu về việc ăn năn sám hối, cầu nguyện và sống bác ái yêu thương; đồng thời Luca cũng gieo rắc niềm vui trước lời loan báo ơn cứu độ, trước các phép lạ, những lần Chúa Giêsu hiện ra; Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội. Đặc biệt nơi Luca chan chứa hoan lạc vì ơn cứu độ đã có được ngày hôm nay.

    48. Tin Mừng Gio-an (Ga): Khác với Tin Mừng nhất lãm, Gioan muốn chứng minh Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã hiện hữu ngay từ lúc khởi đầu, là nguồn mạch sự sống của nhân loại, là ánh sáng thật đến giữa thế gian, là Đấng mạc khải* cho nhân loại biết khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa Cha. Thêm vào đó, Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ của con người trong quyền năng của một Thiên Chúa, để mở cho nhân loại thấy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng như sự sống đời đời được khai mở nơi chính Ngài.

    49. Sách Công vụ Tông Đồ (Cv): Tường thuật những hoạt động truyền giáo của hai vị thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Vì vậy, có thể so sánh Công vụ tông đồ là sách lịch sử về Hội thánh sơ khai; đồng thời tác giải yêu cầu đế quốc Rôma nhìn nhận Kitô giáo được tự do về mặt tôn giáo và có quyền bình đẳng với các tôn giáo khác trong đế quốc.

    50. Thư gởi tín hữu Rô-ma (Rm): Đang khi rao giảng ở Côrintô thánh Phaolô được ông Aquila và bà Picilia cho biết về tình trạng của giáo đoàn Rôma. Thánh nhân đã viết thư gởi cho tín hữu với nội dung: Tin mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ mọi người, trước là người Do Thái sau là người Hy lạp và ngài nêu lên một số điểm thực hành cho các tín hữu.

    51. Thư I & II gởi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr và 2 Cr) Thánh Phaolô thành lập giáo đoàn Côrintô trong chuyến truyền giáo thứ hai khoảng năm 50-52. Vì đức tin kitô hữu còn non trẻ cần tìm một mảnh đất mầu mở Kitô giáo để có thể lớn lên. Thánh Phaolô đã hướng dẫn các tín hữu ý thức hội nhập đức tin kitô giáo vào nền văn hoá ngoại giáo.

    52. Thư gởi tín hữu Ga-lát (Gl): Sau khi thánh Phaolô rời Galát, các tín hữu gốc Do Thái từ Giêrusalem đến làm lung lạc đức tin của anh em tín hữu gốc lương dân. Họ đòi buộc các tín hữu phải giữ luật Môsê, nhất là luật cắt bì. Cho nên, thánh Phaolô viết thư biện minh về sứ vụ tông đồ của mình và tuyên bố ơn công chính không do làm việc luật dạy, nhưng là bởi lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô, đồng thời ngài khuyên các tín hữu bám chặt vào Chúa Giêsu sống theo ơn Chúa Thánh Thần, nhất là sống bác ái.

    53. Thư gởi tín hữu Ê-phê-sô (Ep): Thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ, mà Người đã sắp đặt từ bao đời trước. Mầu nhiệm quy tụ muôn loài dưới quyền Thủ Lãnh là Đức Kitô. Kêu gọi chiêm ngưỡng công trình Thiên Chúa thực hiện qua Đức Kitô và khuyên đọc giả sống kết hiệp với Đức Kitô.

    54. Thư gởi tín hữu Phi-li-phê (Pl): Đây là một trong những bức thư chan chứa tình cảm. Thánh Phaolô viết trong lúc Ngài bị cầm tù, ngài vui mừng và hoan lạc trong cảnh tù đầy của mình; đồng thời Thánh nhân khuyên giáo đoàn Philiphê sống đức tin vững vàng, hiệp nhất với nhau và đề phòng những người không trung tín với Tin mừng.

    55. Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê (Cl): Trong khi thánh Phaolô đang bị cầm tù ở Rôma, nhận được tin giáo đoàn Côlôxê đang bị đe doạ đời sống đức tin. Thánh nhân viết thư đề cao quyền tối thượng của Chúa Kitô và khuyên nhủ các tín hữu đề cao cảnh giác đối với những người gieo rắc những sai lầm. Ngài nhắc lại một số điểm cần thực hiện trong gia đình, cộng đoàn và xã hội.

    56. Thư I gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx): Vào khoảng năm 50 khi thánh nhân ở Côrintô, nhận được tin giáo đoàn Thêxalônica đã gặp những điều cần giải quyết về luân lý cũng như giáo lý Chúa quang lâm. Với những lời đậm đà tình thương nhưng rất đanh thép, đã củng cố được đức tin non yếu của tín hữu, đồng thời khẳng định về giáo lý Chúa quan lâm cho những người Do Thái cứng lòng tin.

    57. Thư II gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (2 Tx): Thánh Phaolô viết thư trấn an và chỉnh đốn cộng đoàn về việc chờ đợi Chúa quang lâm. Thánh nhân khẳng định phải có những dấu hiệu báo trước khi Chúa đến; những cuộc khủng bố bắt bớ các kitô hữu; tiếp theo là bỏ đạo quy mô, sau cùng là tên gian ác xuất hiện.

    58. Thư I gởi ông Ti-mô-thê (1 Tm): Sau khi ra khỏi tù ở Rôma đã viết thư này gởi cho người đồ đệ thân tín mà thánh nhân đã đặt lên thay ngài coi sóc giáo đoàn. Nội dung lá thư đưa ra những chỉ dẫn giúp Timôthê tổ chức, điều khiển cộng đoàn và khuyên trung thành với giáo lý.

    59. Thư II gởi ông Ti-mô-thê (2 Tm): Viết vào năm 67 gởi cho ông Timôthê. Đây là một lá thư mục vụ*, thôi thúc những ai có trách nhiệm trong cộng đoàn hãy kiên trì chịu thử thách, hăng hái rao giảng Tin mừng và chống lại những người dạy giáo lý sai lạc với luân lý, tín lý*, niềm tin.

    60. Thư gởi ông Ti-tô (Tt): Trước những bức xúc của người lãnh đạo cộng đoàn, thánh Phaolô viết thư gởi cho Titô, một tín hữu gốc Do Thái và bạn đồng hành với Phaolô. Trong lá thư mục vụ*, thánh nhân nhấn mạnh những đức tính cần có của người đứng đầu cộng đoàn; đồng thời nhắc nhở các tín hữu về bổn phận của họ.

    61. Thư gởi ông Phi-lê-môn (Plm): Ong Philêmôn là một nhân vật quan trọng ở Côlôxê, là người khá giả đã trở lại theo đức tin Kitô giáo, biết đem của cải và uy tín để giúp đỡ cộng đoàn. Ong Phaolô quý mến và gọi ông là cộng sự viên. Trong thư ông Phaolô tế nhị, không áp đặt, không truyền lệnh ông Philêmôn nhận người nô lệ ăn cắp Onênximô như một người nhà trong tình yêu Đức Kitô.

    62. Thư gởi tín hữu Do Thái (Dt) hay Híp-ri (Hr): Thời gian đầu cộng đoàn kitô hữu gốc Do Thái (Do Thái giáo qua Kitô giáo) gặp khủng hoảng, đức tin hoang mang. Tác giả viết thư này nhằm trấn an, củng cố đức tin, nền tảng đạo đức và sự canh tân đời sống đức tin chính là Đức Kitô.

    63. Thư của Thánh Gia-cô-bê (Gc): Thư này nhằm mục đích đến luân lý, thánh nhân nhấn mạnh đến cách cư xử giữa người với nhau, khuyên giữ miệng lưỡi, kiên tâm bền chí khi bị thử thách để chứng minh niềm tin, đồng thời coi trọng người nghèo.

    64. Thư thứ I của Thánh Phê-rô (1 Pr): Giữa lúc các Kitô hữu bị lưu vong sang đế quốc Rôma, số tân tòng ngày một đông, thánh Phêrô viết thư nhằm khuyên nhủ, động viên và hướng dẫn đời sống đức tin cho những anh chị em tín hữu gia nhập đạo; đồng thời ngài nhấn mạnh bổn phận người Kitô hữu với Hội Thánh.

    65. Thư thứ II của Thánh Phê-rô (2 Pr): Qua những thăng trầm đức tin, tác giả hướng đến các tác giả sơ khai khám phá và sống theo chân lý, đó là: người tín thông phần vào sự sống của Chúa Kitô, được Chúa dạy dỗ qua các ngôn sứ, tông đồ.

    66. Thư I, II, III của Thánh Gio-an (1Ga, 2 Ga, 3 Ga): Khi thấy giáo đoàn tín hữu sơ khai một số ác gieo rắc những học thuyết sai lạc. Thánh Gioan viết thư 1 và 2 nhằm chống lại những người lạc đạo đó; đồng thời giúp các tín hữu đề phòng những người theo thuyết ngộ đạo, bằng việc sống bác ái yêu thương. Trong lá thư thứ 3 tác giả nói đến cách sống và cư xử của người tín hữu.

    67. Thư của Thánh Giu-đa (Gđ): Khi các tín hữu Do Thái trở lại đạo Công giáo, vì niềm tin còn non yếu, họ bị gieo rắc những tư tưởng ngược với niềm tin Kitô giáo. Trước tình hình đó, Thánh Giuđa đã viết bức thư dặn dò anh em tín hữu sơ khai đừng nghe theo một số người xấu, đã len lỏi vào các cộng đoàn, gieo rắc lối sống và tư tưởng sai lạc.

    68. Sách Khải huyền (Kh): Giữa lúc các tín hữu sơ khai đang bị hoàng đế Nê-rô bách hại. Một số các tín hữu chán nản thất vọng trước cơn bách hại và dường như muốn đầu hàng. Tác giả đã dùng thể văn khải huyền với loại ngôn ngữ biểu tượng và đầy hình tượng; ông đã khuyên nhủ các tín hữu phải sống dũng cảm, củng cố đức tin, niềm trông cậy và lòng trung thành của họ với Đức Kitô và thời đau khổ sắp chấm dứt.”
    (Hết trích bài viết của Trần Ngọc Long).

    Trong bài viết “Nội dung vắn tắt các sách Thánh Kinh” ở trên có hai từ cần được hiểu rõ là “số sót” và “thời lưu đầy”.
    Số sót (remnant) là thiểu số còn sót lại vẫn cương quyết trung thành với Thiên Chúa cho dù phải chịu bắt bớ và bách hại. Số sót là những người chỉ nương tựa nơi một mình Thiên Chúa thay vì nương tựa nơi bất cứ sức mạnh nào khác.
    Thời lưu đày là thời gian từ năm 587 tCN đến năm 538 tCN.
    Năm 587 tCN: Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ của vương quốc bị Giu-đa đế quốc Tân Ba-by-lon (Babylon) của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo (Nebuchadnezzar) cướp và phá hủy. Dân Giu-đa bị Nebuchadnezzar lưu đày sang Babylon. (Babylon hiện nay nằm ở Al Hillah, tỉnh Babil, Iraq, khoảng 85 km (55 dặm) về phía nam thủ đô Baghdad.)
    Năm 538 tCN: Sau khi đánh bại đế quốc Tân Ba-by-lon, vua Ky-rô (Cyrus) của đế quốc Ba Tư (Perse, Iran ngày nay) ban sắc chỉ cho phép dân Do Thái đã bị lưu đày ở Ba-by-lon gần 50 năm được trở về cố hương.

    “Nội dung vắn tắt các sách Thánh Kinh” ở trên có 4,642 từ, so với 1,018,743 từ có trong Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước của Giáo hội Công giáo. (Xin xem mục “VIII. Một số dữ liệu của Kinh Thánh” ở dưới). Nói cách khác thì với 1000 từ có trong bản văn Kinh Thánh trọn bộ, “Nội dung vắn tắt các sách Thánh Kinh” ở trên rút ngắn lại chỉ còn 4.5 từ.

    Bài 8: “Tóm tắt các điểm quan trọng của 46 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước trong Giáo hội Công Giáo” sẽ cho nhiều chi tiết hơn về nội dung các sách. Cụ thể là với 1000 từ trong bản văn Kinh Thánh trọn bộ sẽ rút ngắn lại chỉ còn khoảng 47 từ, nhiều chi tiết hơn “Nội dung vắn tắt các sách Thánh Kinh” ở trên khoảng 10 lần.

    (Còn tiếp)

  4. #4
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 2: Thánh Kinh đại cương

    (Tiếp theo Bài 2)

    IV. Tác giả và thời điểm sáng tác các sách Thánh
    Các sách Cựu Ước được xây dựng dựa trên những dữ liệu truyền khẩu có từ rất lâu, có thể nói từ thế kỷ 13–11 tCN. Do đó, chúng ta khó có thể xác định một cách chắc chắn năm biên soạn của một quyển sách Cựu Ước. Với các sách Tân Ước thì khác.Vì được viết sau Công Nguyên, nên các sách Tân Ước dễ được xác định một cách tương đối năm biên soạn hơn.

    Tác giả và thời điểm sáng tác các sách Thánh có khác nhau tùy theo truyền thống và niềm tin của các tôn giáo. Chẳng hạn Ngũ Thư (gồm các sách Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật) theo truyền thống và niềm tin của Do Thái Giáo, cũng như anh em Tin Lành, thì tác giả là ông Mô-sê (Moses).

    Ngày nay, sau khi phân tích 4 truyền thống thể văn (Xin xem phần Dẫn Nhập của Ngũ Thư trong “Kinh Thánh ấn bản 2011”, Nhà xuất bản Tôn Giáo 2011, Dịch giả: Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ), phần lớn các học giả thế tục đồng ý rằng Ngũ Thư không do một tác giả duy nhất là ông Mô-sê viết, mà là do nhiều tác giả viết.
    Vì cho rằng ông Mô-sê là người viết Ngũ Thư nên theo truyền thống và niềm tin của Do Thái Giáo, Ngũ Thư đã được viết trong khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XII tCN. Theo các giáo sĩ Do Thái giáo, ông Mô-sê sinh năm 1391 và mất năm 1271 tCN; theo thánh Giê-rô-ni-mô (Jerome), ông Mô-sê sinh năm 1592 và mất năm 1472 tCN. Ông thọ 120 tuổi.
    Vì cho rằng tác giả của Ngũ Thư là do nhiều người viết, nên theo các học giả hiện nay về Thánh Kinh thì Ngũ Thư đã được viết trong khoảng 458-400 tCN.

    Tác giả và thời điểm sáng tác các sách Thánh cho trong bảng sau đây là dựa phần lớn vào các phần Dẫn Nhập của các sách Thánh trong “Kinh Thánh ấn bản 2011”của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nếu phần Dẫn Nhập trong “Kinh Thánh ấn bản 2011” không nói đến tác giả và thời điểm sáng tác của một sách Thánh nào đó, các tài liệu tham khảo kế tiếp sẽ là:
    • Các phần Dẫn Nhập (Introduction) trong các sách Thánh đăng trong Books of the Bible của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ.
    Authorship of the Bible = Tác giả các sách Thánh, và Dating the Bible = Thời điểm sáng tác Thánh Kinh, trong Wikipedia:




    Sau đây là tác giả và thời điểm sáng tác các sách Thánh Kinh theo quan điểm của anh em Tin Lành:
    When was the Bible written and who wrote it? = Sách Thánh được viết khi nào và ai viết? - Matt Slick
    hay
    Who Wrote the Bible? = Ai đã viết Sách Thánh? - The Amazing Bible Timeline.

    V. Phân chia chương và đánh số câu trong mỗi chương cho Kinh Thánh
    Theo Kinh Thánh - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì kỹ thuật phân chia mỗi sách trong Kinh Thánh ra thành nhiều chương, hay đoạn, và chia mỗi chương ra nhiều “câu” (verse) như hiện nay chỉ bắt đầu vào thời trung cổ. Từ “câu” ở đây có nghĩa là các tiết ngắn được đánh số trong mỗi chương của các sách Kinh Thánh. Từ “câu” ở đây không có nghĩa là câu văn (sentence), tức câu gồm một, hai hoặc nhiều mệnh đề nối với nhau bằng các liên từ “và”, “hoặc”, “nhưng” …

    Đức Hồng Y người Pháp Hugo de Sancto Caro (1200–1263), còn được gọi là Hugh of Saint-Cher, là người đầu tiên phân chia Kinh Thánh ấn bản Phổ Thông (Vulgate) của thánh Jerome thành nhiều chương, nhưng Đức Hồng Y người Anh Stephen Langton (1150–1228), Tổng giám mục Canterbury, bạn và là người cùng thời với Đức Hồng Y Hugo de Sancto Caro, lại là người trong năm 1205 đã tạo ra sự phân chia nhiều chương được sử dụng cho đến ngày nay. Sau đó, trong thế kỷ 15, kỹ thuật này được ứng dụng cho các bản sao tiếng Hi Lạp của Tân Ước.
    Robert Estienne (tức là Robert Stephanus, 1503–1559), vốn là chủ nhà in ở Paris, là người đầu tiên chia mỗi chương ra nhiều “câu” và áp dụng vào các bản in Kinh Thánh do Robert Estienne in năm 1551 (Tân Ước) và 1571 (Kinh Thánh Do Thái, Hebrew Bible).

    (Còn tiếp)

  5. #5
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 2: Thánh Kinh đại cương

    (Tiếp theo Bài 2)

    VI. Chữ viết tắt các sách Thánh Kinh theo tiếng Việt và tiếng Anh (English)
    Ký hiệu các sách Kinh Thánh theo tiếng Việt là các chữ viết tắt theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
    Chữ viết tắt các sách Kinh Thánh theo tiếng Anh, Biblical Book Names & Abbreviations, là các chữ viết tắt theo các bản dịch Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Giáo Hội Tin Lành Hoa Kỳ thường dùng các chữ viết tắt hơi khác với các chữ viết tắt của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ.

    Chữ viết tắt các sách Thánh Kinh Cựu Ước:



    Chữ viết tắt các sách Thánh Kinh Tân Ước:


    Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ là một nhóm dịch giả Kinh Thánh sang tiếng Việt được thành lập vào năm 1971. Nhóm gồm nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân Công giáo trong đó có một số chuyên viên Kinh thánh tốt nghiệp Thánh kinh Học viện ở Rôma, và Ecole Biblique ở Giêrusalem, hoặc tại Việt nam, một số chuyên viên về phụng vụ (học tại Pháp), một số tốt nghiệp các trường thần học (Rôma), và một số chuyên viên về cổ ngữ như tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp. Có cả thi sĩ trong nhóm. Xin xem các tài liệu tham khảo[1].

    Tốt nghiệp Thánh kinh Học viện ở Rôma hay Ecole Biblique ở Giêrusalem không phải là chuyện ai ai cũng làm được. Trong bài “Thánh Kinh, bộ sách của những điều lạ”, Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết viết:
    “Để vào học ở Viện Thánh Kinh Roma và Giêrusalem, và để trở thành nhà nghiên cứu, chú giải Thánh Kinh chính thức, học viên sau tú tài, cử nhân, phải đủ điều kiện về ngôn ngữ, nghĩa là ngoài tiếng mẹ đẻ phải thông thạo ít là 3 trong các sinh ngữ Tây Âu: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý… và thông thạo ít là 4 cổ ngữ La-tinh, Hy Lạp, Hêbrêu (Do Thái) và Aram, và 1 trong 3 ngôn ngữ Đông phương như Ai Cập, Ả Rập, Copt. Rồi còn phải miệt mài chuyên chú học chỉ một môn này mà thôi trong ít là 9 năm, và phải thi đậu, được cấp bằng mới đủ tư cách giải thích Kinh Thánh. Không phải chỉ lõm bõm vài câu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức… mà học được.
    Linh mục Giuse Đỗ Quang Khang sau khi tốt nghiệp đại học đã có một thời đi dạy học rồi vào tu sau 6 năm làm Linh mục, rồi được gửi qua Học viện Thánh Kinh Rôma, sau 9 năm mới về nước, ngài tâm sự: "Nếu vì bất cứ lý do gì mà nghỉ 1 tuần thôi thì không thể theo kịp nữa, phải bỏ giở mà về". Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hội (DCCT) được gửi qua Pháp học Thần học Thánh Kinh tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris) từ năm 2008 đến 2012, ròng rã 4 năm trời mà mới chỉ học khái niệm về Cựu Ước, chuyên sâu về 25 chương đầu sách Sáng Thế Ký, đặc biệt nghiên cứu chỉ có 1 chương là chương 18 sách Sáng Thế - ngài chia sẻ: "Thật vất vả, 4 năm trời chỉ học được 1 chương sách mà thôi".”


    VII. Trong Kinh Thánh: Tên tắt của sách, các chương và các câu được viết thế nào?
    1. Sau đây là quy ước viết tắt các sách Thánh Kinh thường được dùng ở Việt Nam:
    Trong các bản dịch tiếng Việt, các ký hiệu được viết theo thứ tự: Chữ viết tắt của sách thánh/chương/câu. Thứ tự này được viết theo quy ước sau đây:
    - Ngay sau tên sách là số chương;
    - Ngay sau số chương là dấu phẩy (,);
    - Ngay sau dấu phẩy là số câu;
    - Dấu gạch ngang (-) có nghĩa là ‘‘đến’’;
    - Dấu chấm (.) có nghĩa là ‘‘và’’;
    - Dấu chấm phẩy [;] có nghĩa là ‘‘rồi’’.

    Vài ví dụ cách viết tắt của sách Việt:
    - (Mt 2,4): Phúc Âm theo thánh Mát-thêu chương 2 câu 4.
    - (St1-3): Sách Sáng thế từ chương 1 đến chương 3.
    - (St1,1-3): Sách Sáng thế chương 1, từ câu 1 đến câu 3.
    - (St1,1-3,13): Sách Sáng thế từ chương 1, câu 1 đến chương 3 câu 13.
    - (Is 12,4.11): Sách tiên tri I-sa-i-a chương 12, câu 4 và câu 11.
    - (Cv 3,2-5.8): Sách Công vụ Tông đồ chương 3, từ câu 2 đến câu 5 và câu 8.
    - (Kh 2,1-3;5-7): Sách Khải huyền chương 2, từ câu 1 đến câu 3 rồi từ câu 5 đến câu 7.
    - (Kh 2,1-3;4,5-7): Sách Khải huyền chương 2, từ câu 1 đến câu 3 rồi chương 4, từ câu 5 đến câu 7.
    - (1Ga 2-4): Thư thứ I của thánh Gio-an Tông đồ, từ chương 2 đến chương 4.”
    Anh em Tin Lành Việt Nam thường hay dùng từ “đoạn” thay cho từ “chương”. Các quy ước viết tắt các sách Thánh Kinh nói trên, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và anh em Tin Lành Việt Nam thường, thường nhưng không luôn luôn, dùng như nhau.

    2. Quy ước viết tắt trong nhiều sách Mỹ, nhưng không phải là tất cả:
    - Dấu hai chấm [:] được dùng giữa sách và chương thay cho dấu phẩy (,) được dùng giữa sách và chương trong quy ước Việt.
    - Dấu phẩy (,) có nghĩa là ‘‘và’’ thay cho dấu chấm (.) trong quy ước Việt.
    - Các dấu gạch ngang (-) có nghĩa là ‘‘đến’’ và dấu chấm phẩy [;] có nghĩa là ‘‘rồi’’ có ý nghĩa như nhau trong sách Việt và sách Mỹ.

    Ví dụ để so sánh cách viết tắt của sách Mỹ và sách Việt:
    Phúc Âm theo thánh Mát-thêu chương 2 câu 4, sách Mỹ viết (Mt 2:4) trong khi sách Việt viết (Mt 2,4).
    Phúc Âm theo thánh Mát-thêu chương 7 câu 8 và câu 11: sách Mỹ viết (Mt 7: 8,11) trong khi sách Việt viết (Mt 7, 8.11).
    Sách Khải huyền chương 2 từ câu 1 đến câu 3 rồi từ câu 5 đến câu 7, sách Mỹ viết (Re 2:1-3;5-7) trong khi sách Việt viết (Kh 2,1-3;5-7).
    Nhiều sách Mỹ, nhất là các sách của Giáo Hội Tin Lành Mỹ và ngay cả một số sách của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ cũng không theo các quy ước nói trên!
    Thêm vài ví dụ trong sách New American Bible, Revised Edition của Hội Ðồng Giám Mục Công giáo Hoa Kỳ:
    (Rev 2:7; 22:2, 14, 19) = Sách Khải huyền chương 2 câu 7 rồi chương 22 câu 2 và câu 14 và câu 19.
    (Sir 40:9–10; 44:17; Mt 24:37–39) = Sách Huấn ca chương 40 từ câu 9 đến câu 10 rồi chương 44 câu 17 rồi sách Mát-thêu chương 24 từ câu 37 đến câu 39.
    (Ps 1:3; 80:10;92:14; Ez 47:7–12; Rev 22:1–2) = Sách Thánh vịnh chương 1 câu 3 rồi chương 80 câu 10 rồi chương 92 câu 14 rồi sách Ê-dê-ki-en chương 47 từ câu 7 đến câu 12 rồi sách Khải huyền chương 22 từ câu 1 đến câu 2.

    VIII. Kinh thánh là sách bán chạy nhất trong mọi thời đại
    Theo thống kê, tính đến ngày 28 tháng 4 năm 2013:
    “Ước tính tổng số ấn bản Kinh Thánh đã được in trên 6 tỉ (6,001,500,000).
    Ước tính số ngôn ngữ được nói trong thế giới ngày nay: 6900.
    Số bản dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ mới đang được tiến hành: 1300.
    Số ngôn ngữ với bản dịch của Tân Ước: 1185.
    Số ngôn ngữ với một bản dịch của Kinh Thánh Tin Lành: 451”.


    Theo nghiên cứu mới nhất của mình, “Sách người Mỹ đang đọc - và điều đó cho thấy gì về chúng ta” (The Books Americans Are Reading—And What that Reveals About Us), Barna cho biết: Một trong năm người Mỹ trưởng thành đã đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối. Gần một phần ba (29%) số người lớn Mỹ đen nói rằng họ đã đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối, nhiều hơn số người lớn nói tiếng Tây Ban Nha (22%) và số người lớn da trắng (19%).

    IX. Một số dữ liệu của Kinh Thánh
    Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước của Giáo hội Công giáo gồm có 73 quyển. Sau đây là một số dữ liệu Kinh Thánh theo bản “Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước” do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ xuất bản lần đầu năm 1998:
    • Có cả thảy 1,328 chương (chapter) trong Kinh Thánh, Cựu Ước có 1,068 chương, Tân Ước có 260 chương.
    • Có cả thảy 35,548 câu (verse) trong Kinh Thánh, Cựu Ước có 27,592 câu, Tân Ước có 7,956 câu.
    • Có cả thảy 1,018,743 từ trong Kinh Thánh, Cựu Ước có 790,938 từ, Tân Ước có 227,805 từ. Số “từ” (word) bao gồm cả các tiêu đề trong các chương và các số dùng để đánh dấu các câu.
    • Sách dài nhất trong Kinh Thánh là sách Thánh Vịnh; sách này có 150 chương, 2,525 câu và 51,772 từ.
    • Sách ngắn nhất trong Kinh Thánh là Thư Thứ 2 Của Thánh Gio-an (2 John); sách này chỉ có 1 chương, 13 câu và 429 từ.
    • Chương dài nhất là Thánh Vịnh 119 (có 176 câu, 3,025 từ), chương ngắn nhất là Thánh Vịnh 117 (có 2 câu, 35 từ).
    • Câu ngắn nhất trong Kinh Thánh là câu 35, chương 11 trong Phúc âm theo thánh Gio-an (John), chỉ có 4 từ “Ðức Giêsu liền khóc”, (Ga 11,35). Nếu tính theo sách Mỹ thì câu này chỉ có ba từ “And Jesus wept”, (John 11:35).

    “Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước” do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ xuất bản lần đầu năm 1998 được đăng trên mạng ở các địa chỉ ẩn sau các từ sau đây:
    Kinh Thánh Cựu ƯớcKinh Thánh Tân Ước.

    So với truyện Chinh Phụ Ngâm, bản Diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm, thì Kinh Thánh dài gấp 308 lần. So sánh dài ngắn ở đây là dựa trên số từ mà sách chứa.
    So với truyện Kiều của Nguyễn Du thì Kinh Thánh dài gấp 44 lần.
    So với bản dịch kinh Koran của Hồi Giáo thì Kinh Thánh dài gấp 4.33 lần. (Bản dịch kinh Koran, Qu’ran, của Hồi Giáo đăng trong websiteThiên Kinh Qu’ran có tất cả 114 chương, 6,246 câu (verse), hay đoạn được đánh số, và 234,934 từ.)
    So với Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung thì Kinh Thánh dài gấp 3 lần.
    So với bản dịch truyện Cuốn Theo Chiều Gió của Margaret Mitchell thì Kinh Thánh dài gấp 2 lần.
    So với bản dịch truyện Chiến Tranh Và Hoà Bình của Lev Tolstoy thì Kinh Thánh dài gấp 1.35 lần.
    So với bộ Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo, bộ Tam Tạng Kinh Điển của Phật Giáo dài gấp mười một (11) lần. Tam Tạng Kinh được coi như thánh kinh của Phật Giáo. “Tam Tạng Kinh chứa đựng Những Lời Dạy của Đức Phật do chính Đức Phật nói ra hơn 45 năm, từ sau khi Người Giác Ngộ thành đạo cho đến khi Bát-Niết-bàn”.

    (Còn tiếp)

  6. #6
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 2: Thánh Kinh đại cương

    (Tiếp theo Bài 2)

    X. Các từ cần hiểu rõ trong việc tìm hiểu Thánh Kinh
    Để việc tìm hiểu Kinh Thánh được dễ dàng chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của một số từ có dính dáng đến việc tìm hiểu này.
    Ngoài một số từ cho dưới đây, bạn đọc có thể tìm hiểu các từ khác, khi cần, trong các từ điển sau đây:
    Từ điển Công Giáo online DCAT.
    Tự điển “Từ vựng triết thần” trên trang mạng “Hợp Tuyển Thần Học” của “một nhóm linh mục người Việt đang phục vụ tại nhiều nước”.
    Từ điển Bách Khoa của Thiên Chúa giáo (Catholic Encyclopedia).
    Từ Điển Kinh Thánh - Mục sư Tin Lành Wm. C. Cadman.
    EasyEnglish Bible Dictionary - Word List - Wycliffe Associates.

    (1). Bí tích (Sacrament)
    Bí Tích là gì? "Danh từ gốc La ngữ có nghĩa là lời thề (serment), ám chỉ lời tuyên thệ của người lính La mã khi sung vào quân ngũ.
    Theo lich sử buổi đầu của Giáo Hội, danh từ Bí tích có một nghĩa rộng: là một dấu chỉ tất cả những gì liên quan đến thiêng thánh. Thánh Kinh cũng được gọi là Bí Tích. Ngày nay, danh từ Bí Tích theo nghĩa rộng cũng được hiểu là một dấu chỉ. Công đồng nói về Giáo Hội như "một Bí Tích của Chúa Ki-tô, hay một dấu chỉ và một phương thức để liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa và với anh em đồng loại" (Lumen Gentium số 1).
    Theo nghĩa chính xác: "Bí tích là một dấu bên ngoài do Chúa Giê-su thiết lập để ban ơn thánh cho chúng ta." Theo nghĩa đó, Giáo hội dạy chúng ta rằng trong Đạo mới có Bảy Phép Bí Tích. Bí Tích có từ đời các Tông đồ, tuy rằng khoa thần học về Bí Tích được triển nở dần dần và con số bảy Phép Bí Tích được công nhận tại công đồng Ly-on năm 1294. Giáo Hội Đông phương cũng nhìn nhận bảy Bí Tích.
    " (Điển ngữ đức tin Công giáo, tr.49).

    (Xin lưu ý bạn đọc: Phần trích dẫn được in nghiêng ở trên được trích từ bài viết có đường nối kết (link) được ẩn trong cụm từ có màu như màu của các từ này “Bí Tích là gì?” Bạn đọc nhấp chuột vào cụm từ “Bí Tích là gì?”, toàn bộ bài viết sẽ hiện ra trong một cửa sổ (Window) mới. Nếu trích nguyên văn, thì phần trích sẽ được in nghiêng. Nếu không trích nguyên văn mà chỉ nêu lại một số dữ liệu hay ý tưởng, thì phần tham khảo sẽ không được in nghiêng. Lối trích dẫn vắn tắc này sẽ được dùng nhiều lần trong các bài viết về chủ đề “Tìm hiểu tổng quát về Thánh Kinh” này.)

    Bảy bí tích trong Giáo Hội Công Giáo La Mã là Rửa Tội (Baptism), Thêm Sức (Confirmation), Thánh Thể hay Mình Thánh Chúa (Most Holy Eucharist or Communion), Thống Hối hay Giải Tội (Penance or Reconciliation), Xức Dầu Bệnh Nhân hay Xức Dầu Thánh (Anointing of the Sick), Truyền Chức Thánh (Holy Orders) và Hôn Phối (Marriage).
    “Lumen Gentium số 1” có nghĩa là điều 1 trong Lumen Gentium, hay điều 1 trong Hiến Chế* Tín Lý* Về Giáo Hội, "1. Giáo Hội, bí tích trong Ðức Kitô".

    (2). Công Ðồng (Ecumenical Councils)
    Một cách tổng quát Công Ðồng là một hội nghị gồm các Giám Mục cùng một số chức vị trong Giáo Hội chính thức nhóm họp với mục đích bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý hoặc qui luật của Giáo Hội.
    Có những cấp bậc Công Ðồng khác nhau, được kể trong hai loại tổng quát: Công Ðồng phổ quát và Công Ðồng riêng. Công Ðồng phổ quát còn được gọi là Công Ðồng Chung. Theo pháp chế hiện hành của Giáo Hội, Công Ðồng Chung là một hội nghị toàn thể các Giám Mục của Giáo Hội, được triệu tập do và dưới thẩm quyền của Ðức Giáo Hoàng. Từ ngữ "chung" được dịch từ một tỉnh từ Hy Lạp mang ý nghĩa "thuộc về mọi phần đất có người ở": nghĩa là chỉ toàn thể thế giới.
    Trước Công Ðồng Vaticanô II, chỉ có những Giám Mục tông tòa mới có quyền tham dự Công Ðồng Chung. Nhưng ngày nay, Sắc lệnh* về Nhiệm Vụ Giám Mục xác định lại: "Thánh Công Ðồng chế định: mọi Giám Mục đều có quyền tham dự Công Ðồng Chung, vì là thành phần của cộng đoàn Giám Mục" (GM 4). Thứ đến, được gọi là Công Ðồng riêng, một hội nghị gồm các Giám Mục của khu vực nào đó trong Giáo Hội. Công Ðồng riêng được gọi là Ðại Công Ðồng, nếu hội nghị gồm các Giám Mục của nhiều giáo tỉnh khác nhau, dưới quyền chủ tọa của Sứ Thần Tòa Thánh. Nếu chỉ có các Giám Mục của một giáo tỉnh, dưới quyền chủ tọa của Tổng Giám Mục hay một Giám Mục thâm niên công vụ, thì Công Ðồng được gọi là Công Ðồng tỉnh. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể thêm vài loại khác như Công Ðồng toàn quốc, Công Ðồng toàn miền, v.v...
    Chúng ta còn thấy có những hội nghị Giám Mục khác, chẳng hạn như các thượng hội đồng. Thượng hội đồng giáo phận được dùng để chỉ những phiên họp của vị Giám Mục giáo phận với hàng giáo sĩ của mình. Còn thượng hội đồng Giám Mục là một hội nghị, được thành lập ngay sau Công Ðồng Vaticanô II, gồm những Giám Mục được chọn trong số các Giám Mục toàn thế giới, do chính Ðức Giáo Hoàng triệu tập, với mục đích cùng tìm hiểu và cố vấn cho Ngài trong những vấn đề có tính cách thời sự của Giáo Hội.


    Công Ðồng Nicea (Nikaia) năm 325 là Công Ðồng đầu tiên của Giáo hội Công Giáo.
    Cho đến Công Ðồng Vatican II (1962-1965), Giáo hội Công Giáo La Mã đã tổ chức được cả thảy 21 kỳ họp Công Ðồng chung.
    (GM 4): Có nghĩa là xin xem điều 4 của “Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Vụ Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội, Christus Dominus”.

    Về Công Ðồng, xin xem thêm Bộ Giáo Luật từ điều 337 đến điều 341.

    (3). Ðền Thờ (Temple)
    Tọa lạc trên một ngọn núi, Núi Đền (Temple Mount), bên trong thành phố cổ Giê-ru-sa-lem (Jerusalem), Ðền Thờ Jerusalem là trung tâm phụng thờ của Do Thái giáo cổ.
    Có hai Ðền Thờ: Ðền Thờ I (First Temple) và Ðền Thờ II (Second Temple or Herod’s Temple). Ðền Thờ I do vua Sa-lô-mon (Solomon) xây vào khoảng giữa thế kỷ X tCN, nên cũng được gọi là Ðền Thờ của vua Sa-lô-mon.

    Kích thước Đền Thờ I do vua Salômon xây được sách Vua I mô tả như sau, (1V6, 2-3): “2 Ðền vua Sa-lô-môn xây kính Ðức Chúa dài ba mươi thước, rộng mười thước và cao mười lăm thước. 3 Tiền đình ở trước gian Cung Thánh của Ðền Thờ dài mười thước nằm theo chiều rộng của Ðền Thờ, rộng năm thước nằm theo chiều dài của Ðền Thờ.”
    Trần thiết bên trong và Nơi Cực Thánh được xây dựng và trang hoàng bằng những vật liệu quý, (1 Kgs 6:18-22): “18 Gỗ bá hương (cedar) ghép bên trong Cung Thánh được trạm trổ hình trái mướp đắng và nhành hoa; toàn là gỗ bá hương, chứ không thấy đá. 19 Vua lập một Nơi Cực Thánh ở giữa Ðền Thờ, phía trong, để đặt Hòm Bia Giao Ước của Ðức Chúa. 20 Nơi Cực Thánh dài mười thước, rộng mười thước, và cao mười thước, và vua dát vàng ròng; vua cũng làm bàn thờ bằng gỗ bá hương. 21 Vua Sa-lô-môn dát vàng ròng phía trong Cung Thánh, trước Nơi Cực Thánh vua cũng dát vàng. 22 Tất cả Ðền Thờ vua đều dát vàng, không trừ một chỗ nào; bàn thờ Nơi Cực Thánh vua cũng dát toàn vàng.”
    Vua Sa-lô-môn đã xây cất Ðền Thờ I trong bảy năm mới hoàn thành, (1Kgs 6: 37-38): “37 Năm thứ tư, tháng Diu (Ziv), người ta đặt nền móng Ðền Thờ Ðức Chúa; 38 năm thứ mười một, tháng Bun (Bul), tức là tháng thứ tám, công trình xây cất Ðền Thờ, cả quy mô lẫn chi tiết, đều được hoàn thành. Vua đã xây cất Ðền Thờ trong bảy năm.”

    Dựa vào hai câu 37 và 38 ở trên và dựa vào cách tính theo niên lịch Ca-na-an (Canaanite Calendar), các nhà chú giải Thánh Kinh đã tính ra Ðền Thờ I được hoàn tất vào khoảng giữa thế kỷ X tCN.

    Ðền Thờ I bị vua Na-bu-cô-đô-nô-xo (Nebuchadnezzar) của đế quốc Tân Ba-by-lon (Babylon) cướp và đốt cháy năm 587 tCN.

    Trước thời kỳ lưu đày (587-538 tCN) ở Ba-by-lon của người Do Thái, Ðền Thờ là nơi duy nhất cho giáo dân Do Thái giáo khắp cả nước đến để thờ phượng Thiên Chúa. Nói cách khác cả nước Do Thái chỉ có một Ðền Thờ. Trong thời gian lưu đày ở Ba-by-lon, các Hội Đường* (synagogue) mới được xây dựng để giáo dân Do Thái đến thờ phượng Thiên Chúa.

    Sau khi đánh bại đế quốc Tân Ba-by-lon, năm 538 tCN, vua Ky-rô (Cyrus) của đế quốc Ba Tư (Perse) ban sắc chỉ* cho phép dân Do Thái đã bị lưu đày ở Ba-by-lon gần 50 năm được trở về cố hương. Những người trở về cố hương đã xây dựng Ðền Thờ II vào những năm (538-515 tCN), thay cho Ðền Thờ I. Ðền Thờ II được xây dựng trên nền của Ðền Thờ I.
    Trong những năm 20-19 sCN vua Hê-rô-đê I (Herod the Great) bắt đầu cho đập phá Ðền Thờ II để xây dựng lại Ðền Thờ II to lớn nguy nga hơn. Đến năm 64 sCN công việc trùng tu và nới rộng Ðền Thờ II của Hê-rô-đê I mới hoàn tất. Do đó Ðền Thờ II cũng được gọi là Ðền Thờ của vua Hê-rô-đê I. Ðền Thờ II đã bị đế quốc La Mã phá hủy hoàn toàn năm 70 sCN. Vua Hê-rô-đê I là vị vua được Đế chế La Mã cắt đặt cai trị Giu-đê (Judea) và cũng là vị vua khi nghe tin Chúa Giê-su mới sinh ra đã tìm cách giết Chúa Giê-su. Do không tìm bắt được Chúa Giê-su, nên Hê-rô-đê I ra lệnh giết tất cả các trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi ở Giu-đê với hy vọng trong số trẻ bị giết có Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã được Thánh Giu-se và Đức Mẹ đem qua Ai cập lánh nạn nên không bị giết chết.

    Trên nền cũ của Ðền Thờ I và Ðền Thờ II ở Núi Đền, ngày nay còn lại đền thờ của Hồi Giáo có tên là Dome of the Rock. Đền thờ của Hồi Giáo này được xây dựng hoàn tất năm 691 sCN.


    Mô hình Ðền Thờ của vua Hê-rô-đê I (sau khi cải tạo Ðền Thờ II) tại Bảo tàng Israel. Người ta không biết Ðền Thờ II trông giống như thế nào trước khi được vua Hê-rô-đê I trùng tu và nới rộng lớn như ở trên.

    (4). Giao Ước (Covenant)
    Theo từ điển chữ Nôm, “Giao” có nghĩa là trao đổi (Ví dụ: Giao thương = trao đổi buôn bán với nhau) và “ước” có nghĩa là thoả thuận (Ví dụ: Lập ước = kí giao kèo). Theo nghĩa thông thường thì giao ước hay giao kèo là cam kết với nhau về những điều mà mỗi bên sẽ thực hiện.

    Theo nghĩa Kinh Thánh, giao ước là lời hứa, hay giao kèo, giữa Thiên Chúa và loài người. Thực tế cho thấy các giao ước trong Kinh Thánh đa số là các lời hứa có điều kiện của Thiên Chúa hứa với loài người. Theo Thần Học Giao Ước (Covenantal Theology - Roman Catholic) của Giáo Hội Công Giáo La mã, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người được thực hiện qua 7 giao ước chính đã được nói đến trong các sách của Kinh Thánh sau đây, (với các sách nói đến các giao ước này được cho trong các ngoặc đơn):
    1. Giao ước với loài người trong vườn Địa đàng (Eden; Sáng thế 1,26-30; 2,16-17)
    2. Giao ước với loài người qua trung gian là ông A-đam (Adam; Sáng thế 1,26-2,3)
    3. Giao ước với loài người qua trung gian là ông Nô-ê (Noah; Sáng thế 9,8-17)
    4. Giao ước với dân Do Thái qua trung gian là ông Áp-ra-ham (Abraham; Sáng thế 12,1-3; 17,1-14; 22,16-18)
    5. Giao ước Sinai, hay giao ước với dân Do Thái qua trung gian là ông Mô-sê (Moses; Xuất hành 19,5-6; 3,4-10; 6,7).
    6. Giao ước với dân Do Thái qua trung gian là vua Đa-vít (David; 2 Sa-mu-en 7,8-19)
    7. Giao ước với loài người qua trung gian là Chúa Giê-su Ki-tô (Jesus Christ; Mát-thêu 26.28; 16,17-19). Giao ước này còn được gọi là Giao Ước Mới.

    Sáu giao ước đầu, (1-6), được gọi là các giao ước cũ. Riêng giao ước Sinai còn được một số nơi gọi là Giao Ước Cũ.
    Tất cả các giao ước trong Kinh Thánh giữa Thiên Chúa và con người đều có nguồn gốc từ Thiên Chúa và là một hành động ân sủng của Thiên Chúa.

    Trong 7 giao ước nêu ở trên hai giao ước quan trọng nhất là Giao ước Sinai (còn được gọi là Giao Ước Cũ) và Giao Ước Mới. Sau đây xin trình bày sơ lượt các yếu tố của hai giao ước quan trọng này.

    I. Giao Ước Xi-nai (Sinai), hay Giao Ước Cũ, (x. Xh 19-40)
    Giao Ước Xi-nai được thực hiện tại núi Xi-nai, Ai cập, vào khoảng thế kỷ 13 tCN trong khi dân Do Thái rời bỏ cuộc sống nô lệ ở Ai cập đi về miền Đất Hứa là Ca-na-an (Canaan).
    1. Trung gian giao ước (covenant mediator) là ông Mô-sê (Moses), (x. Xh 19,3).
    2. Các bên tham dự giao ước: Thiên Chúa và dân Do Thái.
    3. Các điều của giao ước hai bên phải thi hành:
    a. Về phía Thiên Chúa, (x. Xh 19,3-8): “5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. 6 Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Ðó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en.", (Xh 19,5-6).
    b. Về phía dân Do Thái: Vâng giữ Mười Điều Răn, (x. Xh 20,1-17) và khoảng 600 điều trong đó khoảng 300 điều nên làm (positive laws = Do) và 300 không nên làm (negative laws = Don’t). Các điều luật này được nói đến trong các sách Xuất hành (x. Xh 21,1- 23,33; 25-31; 35-40), Lê-vi (x. Lv 1-27), Dân số (x. Ds 3,1-51; 5,1-31; 6,1-21; 7,1-8,26; 15,1-41;18,8-19,22; 27,1-11; 28,1-30,17; 36,1-13) và Đệ Nhị Luật (x. Đnl 12,1-26,15).
    4. Điều kiện của giao ước về phía dân Do Thái:
    Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa. Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà tôi truyền cho anh em hôm nay. Anh em sẽ bị nguyền rủa, nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nếu anh em bỏ con đường hôm nay tôi truyền cho anh em phải đi, mà theo những thần khác anh em không biết”, (Đnl 11:26-28).
    “Bị nguyền rủa” bằng các hình thức bị tai uơng, bị mất nước, bị các đế quốc đem đi lưu đày sang các nước khác.
    5. Nghi thức (ritual) “ký kết” giao ước Xi-nai:
    Ông Mô-sê chép lại mọi lời của Ðức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu*, và ngả bò làm hy lễ kỳ an* tế Ðức Chúa. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì Ðức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo." Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: "Ðây là máu giao ước Ðức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."”, (Xh 24,4-8).
    6. Dấu chỉ (sign) của Giao Ước Xi-nai là hai bia đá có khắc Mười Điều Răn do chính Thiên Chúa viết và trao lại cho Mô-se tại núi Xi-nai. Hai bia đá này được đặt trong Hòm Bia Giao Ước*.

    II. Giao Ước Mới
    1. Trung gian giao ước (covenant mediator) là Chúa Giê-su Ki-tô.
    2. Các bên tham dự giao ước: Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.
    3. Các điều của giao ước hai bên phải thi hành:
    a. Về phía Thiên Chúa: Thiên Chúa sai con một mình là Chúa Giê-su Ki-tô xuống thế gian làm người, chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc tội lỗi của loài người.
    b. Về phía toàn thể nhân loại muốn làm con dân của Thiên Chúa: lãnh Bí Tích Rửa Tội, kính Chúa yêu người và tuân giữ các điều luật Người phán dạy.
    4. Điều kiện của giao ước về phía toàn thể nhân loại:
    a. Thưởng: Nếu tuân giữ tốt các điều luật Thiên Chúa phán dạy thì được sống đời đời trong hạnh phúc với Thiên Chúa.
    b. Phạt: Nếu không tuân giữ tốt các điều luật Thiên Chúa phán dạy, nói cách khác là phạm các tội lỗi, thì tùy mức độ năng nhẹ của tội mà bị hình phạt thanh luyện trong Luyện Ngục một thời gian hay bị hư mất đời đời trong Hỏa Ngục.
    5. Nghi thức (ritual) “ký kết” Giao Ước Mới:
    a. Được hứa qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Jeremiah) trong (Gr 31,31-32): “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Ðức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Ðức Chúa”.
    b. Được tuyên bố ban hành trong bữa Tiệc Ly trước khi Chúa Giê-su Ki-tô bị bắt, (Mt 26,26-28): “Cũng đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy". Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”.
    c. Được “ký kết” bằng máu của Chúa Giê-su Ki-tô khi Người chịu chết trên thập tự giá vào khoảng năm 33 sCN. Trong giao ước này, Đức Giê-su chủ động ký kết, các Tông Đồ đóng vai chứng kiến và tham dự.
    Dấu chỉ (sign) của Giao Ước Mới là Bí Tích Thánh Thể tức là Bí Tích Mình Thánh Chúa (Most Holy Eucharist or Communion).

    (5). Hiến chế (Constitution)
    Hiến có nghĩa là luật căn bản giúp cai trị; chế có nghĩa là bắt phải theo. Hiến chế là bản văn của Công Đồng chung về Tín lý hay Mục vụ buộc giáo dân phải theo. Ví dụ: – Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Vatican II: mô tả định chế Giáo Hội với những yếu tố chủ chốt.

    Mọi tín hữu có bổn phận tuân theo các hiến chế và sắc lệnh mà quyền bính hợp pháp của Giáo Hội, đặc biệt Ðức Giáo Hoàng hay Giám Mục đoàn, ban hành với mục đích trình bày giáo lý hay bài trừ các tư tưởng sai lầm.” (Bộ Giáo Luật, điều 754)

    (6). Hòm Bia Giao Ước (Art of the Covenant)


    Mô-sê (Moses) và Giô-suê (Joshua) quỳ lạy trước Hòm Bia Giao Ước, tranh vẽ của James Jacques Joseph Tissot, c. 1900

    Hòm Bia Giao Ước cũng được gọi là Hòm Bia Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã “thiết kế” hòm bia này như đã mô tả trong sách Xuất Hành, chương 25, từ câu 10 đến câu 20, (Xh 25,10-20):
    "Chúng phải làm một Hòm Bia bằng gỗ keo (acacia wood), dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi. Ngươi sẽ lấy vàng ròng mà bọc, ngươi sẽ lấy vàng mà bọc cả trong lẫn ngoài. Ngươi sẽ làm trên đó một đường viền chung quanh bằng vàng. Ngươi sẽ đúc cho Hòm Bia bốn chiếc vòng bằng vàng và gắn vào bốn chân Hòm Bia: bên này hai vòng, bên kia hai vòng. Ngươi sẽ làm những cây đòn bằng gỗ keo bọc vàng. Ngươi sẽ xỏ đòn vào những vòng bên sườn Hòm Bia để khiêng. Ðòn để xỏ vào vòng của Hòm Bia thì không được rút ra nữa. Ngươi sẽ đặt vào Hòm Bia Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi.
    Ngươi sẽ làm một cái nắp xá tội bằng vàng ròng, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi. Ngươi sẽ làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia; ngươi sẽ làm các tượng thần hộ giá gắn liền với nắp, ở hai đầu. Các tượng thần hộ giá có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện với nhau, cùng cúi mặt xuống nắp.


    Người Do-thái coi Hòm Bia Giao Ước là vật chí thánh. Trong Hòm Bia Giao Ước có chứa hai bia đá trên đó chính Thiên Chúa đã khắc Mười Điều Răn của Giao Ước Sinai, (Xh 32,16).
    Năm 587 tCN đế quốc Ba-by-lon đánh chiếm Giê-ru-sa-lem, cướp và phá hủy Đền Thờ I, lúc đó là nơi đặt Hòm Bia Giao Ước, nên từ đó Hòm Bia Giao Ước đã bị thất lạc cho đến nay.

    Bài đọc thêm: Hòm Giao Ước Ở Đâu Ngày Nay? - Trần Đình Tâm.

    (7). Hội đường (Synagogue)
    Trước thời kỳ lưu đày (587-538 tCN) ở Ba-by-lon của người Do Thái, Ðền Thờ là nơi duy nhất cho giáo dân Do Thái giáo khắp cả nước đến để thờ phượng Thiên Chúa. Nói cách khác cả nước Do Thái chỉ có một Ðền Thờ. Trong và sau thời gian lưu đày ở Ba-by-lon, vì không còn Ðền Thờ nữa nên nhiều Hội Đường (Synagogue) mới được xây dựng để giáo dân Do Thái đến thờ phượng Thiên Chúa. Hội đường thường là một căn nhà lớn hình chữ nhật, quay về hướng của Đền Thờ Jerusalem. Sinh hoạt tôn giáo chủ yếu tại hội đường là vào ngày Sa-bát (Sabbath), gồm có cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Mỗi cộng đoàn Do Thái có một Hội Đường, cũng giống như bên Công Giáo mỗi giáo xứ có một Nhà Thờ (Church). Ngày Sa-bát là ngày thứ Bảy (Saturday) trong tuần, ngày Sa-bát là ngày nghỉ ngơi và là ngày thờ phượng Thiên Chúa theo Do Thái giáo.

    (8). Hy lễ (Sacrifice, Offering)
    Hy lễ là vật tế lễ, vật hiến tế.

    (9). Hy lễ kỳ an (Sacrifice Of Peace Offering, Communion Sacrifice, Covenant Offering)
    “Hy lễ kỳ an” (Sacrifice Of Peace Offering or Slaughter offering) có nghĩa là “hy lễ cầu bình an”. “Sacrifice Of Peace Offering” được dịch từ tiếng Do Thái “shelamim”. Từ “shelamim” không có một ý nghĩa rõ ràng mà lại có nhiều ý nghĩa khác nhau là hiệp thông, bình an, giao ước, hạnh phúc và món quà. Do đó “hy lễ kỳ an” cũng còn được gọi là “hy lễ hiệp thông” (Communion Sacrifice), hay “hy lễ giao ước” (Covenant Offering). Từ “kỳ an” trong “hy lễ kỳ an” có nghĩa là “cầu bình an”. Từ “Communion” trong “Communion Sacrifice” có nghĩa là “hiệp thông”.

    Nghi thức hy lễ kỳ an được nói đến trong sách Lê-vi, chương 3, từ câu 1 đến câu 17, (Lv 3,1-17).

    (Còn tiếp)

  7. #7
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 2: Thánh Kinh đại cương

    (Tiếp theo Bài 2)

    (10). Kinh sư (Scribes)
    Kinh sư là những người sau nhiều năm nghiên cứu đã trở thành những nhà chuyên môn về Kinh Thánh.

    (11). Kỳ mục (Elders)
    Kỳ mục là những người có địa vị trong xã hội, họ là những bậc niên trưởng hay phú ông.

    (12). Lê-vi (Levi)
    Từ khi lập quốc, Lê-vi là một trong 12 chi tộc của dân tộc Israel. Mười hai chi tộc này là con và con nuôi của ông Jacob (Jacob về sau được Thiên Chúa đổi tên là Israel), và họ thuộc hàng chắt của ông Abraham. Chi tộc Lê-vi được giao nhiệm vụ chỉ lo việc thờ phượng Thiên Chúa và các tư tế (priests), hay giáo sĩ, đều thuộc chi tộc này. Thời Cựu Ước, chỉ các Lê-vi thuộc gia tộc A-ha-ron (Aaron, anh ruột của ông Mô-se, Moses) mới được làm tư tế; các Lê-vi khác, nếu không thuộc gia tộc Aaron thì chỉ làm thầy Lê-vi. Các tư tế lo việc cử hành phụng tự trong Đền Thờ, trong các hội đưòng. Thượng tế* (high priests) là chức sắc cao cấp nhất của giới tư tế. Thời Chúa Giê-su, cả Do Thái chỉ có một thượng tế nhưng có khoảng 7200 tư tế. Các thầy Lê-vi không được cử hành phụng tự, họ chỉ lo phận vụ đàn hát, giữ cửa, bảo quản và bảo vệ Đền Thờ, và phụ giúp cho các tư tế.

    Nhiệm vụ của các thầy Lê-vi được mô tả trong sách Sử Biên Niên I, chương 23, (1Sb 23).

    (13). Lễ toàn thiêu (Burnt Offerings)
    Lễ toàn thiêu là một của lễ, thường là một con vật, hoàn toàn bị đốt cháy trên bàn thờ và được dâng lên như một của lễ cho Thiên Chúa.



    (14). Linh Hứng (Divine Inspiration) Ơn linh hứng là gì?Linh: thuộc về Thánh Thần. Hứng: được cảm xúc đánh động.
    Linh Hứng: Ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần ban cho những người viết ra Kinh Thánh. Những vị viết Kinh Thánh đã được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn để biết cách dùng tài năng riêng mà viết những điều Thiên Chúa muốn và chỉ viết những điều Thiên Chúa muốn. Nhờ đó, Kinh Thánh chứa đựng sự thật cứu độ, dạy ta những gì cần biết để sống đầy đủ ý nghĩa làm người và đạt tới hạnh phúc tuyệt đối
    ”.
    Ơn linh hứng cũng còn được gọi là ơn linh ứng.

    Bài đọc thêm: Ơn Linh Hứng Kinh Thánh - Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.

    (15). Mặc khải hay Mạc khải (Divine Revelation)
    Các từ này được dịch từ tiếng revelation trong tiếng Anh. Gốc La-tinh của revelation là revēlātiō, có nghĩa là disclosure hay được phơi bày.

    Theo từ điển Merriam-Webster, revelation is “something that is revealed by God to humans” (điều Thiên Chúa tiết lộ cho loài người biết). Cũng theo Merriam-Webster, động từ to reveal có nghĩa là “to make something that was hidden able to be seen” (làm cho điều đã được giấu kín có thể được nhìn thấy).

    Trong tiếng Việt, một số tác giả trong đó có Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, dùng từ “Mạc khải” (漠 啟). Một số tác giả nhiều hơn trong đó có Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ, dùng từ “Mặc khải” (默 啟).

    Theo từ điển chữ nôm: Mạc (漠) có nghĩa là “Mù mịt” (chữ Mạc (幕)là màn che được viết khác với 漠). Mặc (默)có nghĩa là yên lặng và khải (啟)có nghĩa là mở ra.

    Cao Đài Từ Điển viết:
    Mặc 默: Lặng lẽ, nín lặng, không nói. Nín lặng, không nói. Khải 啟: mở ra. Mạc 漠: yên lặng, thanh tịnh.
    ■ Mặc khải là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được. Thí dụ: Sự mặc khải của Thượng Đế.
    ■ Mạc khải là sự tác động trong yên lặng của Thượng Đế bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người.


    Trong tài liệu này chúng tôi dùng từ Mặc khải với ý nghĩa là điều Thiên Chúa tiết lộ cho loài người được biết về Ngài thông qua các thánh sử, các ngôn sứ trong Cựu Ước và thông qua chính Chúa Giêsu và các thánh tông đồ trong Tân Ước. Trong tài liệu này có nơi dùng từ mặc khải, nơi khác dùng từ mạc khải, là do các tài liệu dẩn chứng có nguồn gốc từ nhiều nhóm khác nhau.

    Chỉ có thông qua mặc khải chúng ta mới nhận biết Thiên Chúa một cách đầy đủ hơn, như điều 50 trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã viết:
    Nhờ lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết Thiên Chúa một cách chắc chắn, dựa vào những công trình của Người. Nhưng còn có một loại nhận biết khác, mà con người không thể đạt tới bằng sức lực của chính mình, đó là loại nhận biết nhờ mặc khải của Thiên Chúa. Bằng một quyết định hoàn toàn tự do, Thiên Chúa tự mặc khải và ban chính mình cho con người. Thiên Chúa làm điều đó bằng cách mặc khải mầu nhiệm của Người, ý định yêu thương Người đã có từ muôn thuở trong Ðức Ki-tô, để mưu ích cho mọi người. Thiên Chúa mặc khải trọn vẹn ý định của Người khi cử Người Con chí ái là Ðức Ki-tô, Chúa chúng ta, và khi cử Thánh Thần đến với loài người.

    Bài đọc thêm: “Từ vựng Công giáo: Mặc khải, mạc khải” - Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ.

    (16). Mục vụ (Pastoral Work)
    Mục vụ là các công việc như tư vấn cho Cha Sở (tức linh mục quản nhiệm một giáo xứ), tham gia điều hành giáo xứ, đồng thời săn sóc và cổ võ những sinh hoạt của giáo xứ.

    (17). Ngôn sứ (Prophet)
    Ngôn có nghĩa là nói; sứ có nghĩa là người vâng mệnh trên đi làm một việc gì. Trong các sách Thánh Kinh, ngôn sứ “là người được sai đi để thay mặt Chúa (sứ) nói lên lời (ngôn) của Chúa”. Thường thì thông qua các thị kiến* Thiên Chúa truyền đạt cho các ngôn sứ điều mà Thiên Chúa muốn các ngôn sứ rao giảng lại cho dân Chúa. Trong tài liệu này “ngôn sứ” được hiểu cùng một nghĩa như “tiên tri”.

    (18). Ngụy thư Cựu Ước (Old Testament Apocrypha)
    Ngụy thư Cựu Ước là các sách Giáo Hội từ chối không công nhận trong quy điển Kinh Thánh Cựu Ước, không có ơn linh hứng; Giáo Hội không căn cứ giáo lý và đức tin của mình vào đó. Trong Bản Phổ Thông (Vulgate) của thánh Giê-rô-ni-mô (Jerome) có 66 sách gồm 39 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước. Ngoài ra trong phần phụ lục Bản Phổ Thông, thánh Jerome có dịch thêm 14 sách Cựu Ước từ Bản Bảy Mươi (Septuagint): 3 Esdras, 4 Esdras, The Rest of Esther, Song of the Three Holy Children, History of Susanna, Bel and the Dragon, Prayer of Manasses, Tobit, Judith, Wisdom hay Wisdom of Solomon, Sirach, Baruch, 1 Maccabees, và 2 Maccabees. Như vậy Bản Phổ Thông của thánh Giê-rô-ni-mô (Jerome) có cả thảy là 80 sách, nếu kể luôn 14 sách trong phụ lục.

    Công Đồng Tren-tô (Trent 1545 -1563) đã đưa 7 sách Cựu Ước trong phần phụ lục Bản Phổ Thông là Tô-bi-a (Tobit), Giu-đi-tha (Judith), Khôn ngoan (Wisdom hay Wisdom of Solomon), Huấn ca (Sirach), Ba-rúc (Baruch), 1 Ma-ca-bê (1 Maccabees), và 2 Ma-ca-bê (2 Maccabees) vào quy điển (Biblical canon) của Sách Thánh trong Giáo Hội Công Giáo La Mã và gọi 7 sách này là Đệ Nhị Quy Điển (Deuterocanonical books). Anh em Tin Lành không công nhận 7 sách vừa nói có ơn linh hứng và gọi tất cả 14 sách Cựu Ước trong phần phụ lục Bản Phổ Thông là ngụy thư.

    Bảy sách còn lại trong phần phụ lục Bản Phổ Thông là 3 Esdras, 4 Esdras, The Rest of Esther, Song of the Three Holy Children, History of Susanna, Bel and the Dragon và Prayer of Manasses được giáo hội Công Giáo liệt vào các ngụy thư (apocrypha) của Cựu Ước.
    Công Đồng Tren-tô (Trent 1545 -1563) đã đưa vào quy điển Kinh thánh 46 sách Cựu ước và 27 sách Tân ước, theo danh sách như đã ghi trong mục “Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước” ở trên.

    Bản Phổ Thông (Vulgate) của thánh Jerome và Bản Bảy Mươi (Septuagint) sẽ được nói đến trong chương 3 “Các bản dịch của Thánh Kinh”.

    (19). Ngụy thư Tân Ước (New Testament Apocrypha)
    Ngụy thư Tân Ước là các sách Giáo Hội từ chối không công nhận trong quy điển Kinh Thánh Tân Ước, không có ơn linh hứng; Giáo Hội không căn cứ giáo lý và đức tin của mình vào đó.
    “Ta có thể chia các ngụy thư thành bốn loại như các sách trong Tân Ước:
    - Các sách Tin Mừng: Tin Mừng của thánh Phêrô (tìm thấy một mảnh ở Aicập vào năm 1886), Tin Mừng của thánh Tôma, nay được chia làm 114 câu trong đó có 79 câu gần giống với Tin Mừng Nhất Lãm... Các Tin Mừng này ít nhiều mang dấu vết của phái ngộ giáo (gnosticisme), phái này cho rằng chỉ có việc giác ngộ mới đưa con người đến ơn cứu độ. Ngoài ra còn có Tin Mừng thời thơ ấu của thánh Tôma và Tiền Tin Mừng của thánh Giacôbê, hai tác phẩm này mang nhiều yếu tố huyền hoặc, lạ lùng.
    - Các sách Công Vụ: Công Vụ của thánh Anrê chịu ảnh hưởng của ngộ giáo qua việc lên án hôn nhân và nhấn mạnh đến bản tính thiêng liêng của con người. Công vụ của thánh Gioan, Công Vụ của thánh Phaolô, Công Vụ của thánh Phêrô, Công Vụ của thánh Tôma. Nói chung tác giả các sách Công Vụ thích khai thác những yếu tố kỳ diệu, lạ lùng trong cuộc đời vị Tông Ðồ mà họ muốn ca ngợi.
    - Các thư: Thư thứ ba gửi tín hữu Côrintô, Thư gửi tín hữu ở Laođikia, Thư của các Tông Ðồ. Nội dung của các thư này không có gì đặc sắc (trừ Thư của các Tông Ðồ) và giống với những bài luận bàn về thần học hơn là những lá thư.
    - Các sách khải huyền: sách Khải Huyền của thánh Phêrô kể lại việc Ðức Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy những miền ở thế giới bên kia, chỗ ở của kẻ dữ và hình phạt họ phải chịu. Còn sách Khải Huyền của thánh Phaolô lại xoay quanh thị kiến của thánh nhân được nói đến ở 2 Cr 12,2.”


    (20). Phúc Âm Nhất Lãm (Synoptic Gospels)
    Ba cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Matthew), Tin Mừng theo Thánh Mác-cô (Mark) và Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (Luke) “được gọi là Nhất lãm do học giả Griesbach đặt ra từ năm 1776, vì có thể đặt và đọc với cái nhìn chung ba cột song song (sun opsis). Ba cuốn này đều theo một bố cục thứ tự chung giống nhau:
    • Giai đoạn dọn đường cho sứ vụ của Đức Jesus.
    • Sứ vụ của Đức Jesus tại Galilê và vùng phụ cận.
    • Hành trình lên thành Jerusalem.
    • Thương Khó và Phục sinh.
    Thống kê từng sách Phúc Âm, ta thấy có những yếu tố sau:
    • Phúc Âm Mark có tất cả 661 câu. Trong đó có 330 câu chung với Phúc Âm Matthew và Luke; và chỉ có 26 câu riêng biệt.
    • Phúc Âm Matthew có tất cả 1068 câu: 523 câu chung với Phúc Âm Mark và Phúc Âm Luke; 235 câu chung với Luke và 310 câu riêng biệt.
    • Phúc Âm Luke có tất cả 1149 câu: 364 câu chung với Phúc Âm Matthew và Phúc Âm Mark; 235 câu chung Phúc Âm Matthew và 550 câu riêng biệt”.


    (21). Quy điển Kinh thánh (Biblical Canon)
    Một quy điển Kinh thánh là một danh sách các cuốn sách được xác nhận bởi thẩm quyền của một cộng đồng tôn giáo là đã có ơn linh hứng từ Thiên Chúa. Do Thái giáo, Giáo hội Tin lành và Giáo hội Công giáo có các quy điển Kinh thánh khác nhau.
    Dựa vào truyền thống tông đồ, trong Công Đồng Tren-tô (Trent 1545 -1563), Giáo hội Công giáo La Mã đã công nhận các sách Thánh nào đã có ơn linh hứng từ Thiên Chúa và được dùng làm quy luật cho đời sống Đức Tin của mọi tín hữu. Công Đồng Tren-tô đã chính thức ấn định danh mục quy điển gồm 46 sách Cựu ước và 27 sách Tân ước như danh sách đã ghi trong mục “Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước” ở trên.
    Quy điển Kinh thánh còn được gọi là thư quy Kinh thánh, hay thư lục Kinh thánh.
    Quy có nghĩa là chụm về một điểm; điển có nghĩa là mẫu mực, sách mẫu; thư có nghĩa là sách; lục có nghĩa là mục lục.

    Xin xem thêm các bài viết “Việc hình thành quy điển của Sách thánh”, “Qui Ðiển Tân Ước” và bài viết của Lm. Dòng Tên Bernard Sesboušé, “Kinh Thánh với việc quy điển hóa và công nhận linh hứng tín - Nghiên cứu theo phương pháp sử-thần học”. (“La canonisa¬tion des Écritures et la reconnaissance de leur inspiration – Une approche historico-théologique”).

    (22). Sắc chỉ (Papal Bull)
    Sắc chỉ nghĩa đen có nghĩa là văn bản ghi mệnh lệnh của vua. Trong Giáo hội Công giáo, sắc chỉ có nghĩa là thư bổ nhiệm chức tước do Tòa Thánh ban. Ví dụ: Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, ngày 24-11-1960, của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam.

    (23). Sắc lệnh (Decree)
    Sắc có nghĩa là mệnh lệnh vua ban; lệnh có nghĩa là công bố ra. Sắc lệnh là văn kiện của Công Đồng hay của Giáo hoàng nói về những nguyên tắc buộc phải theo về một vấn đề nào đó. Sắc lệnh cũng còn được gọi là sắc luật. Ví dụ: Sắc lệnh về Nhiệm vụ muc vụ của các Giám Mục (Christus Dominus) của Công Đồng Vatican II.
    Mọi tín hữu có bổn phận tuân theo các hiến chế và sắc lệnh mà quyền bính hợp pháp của Giáo Hội, đặc biệt Ðức Giáo Hoàng hay Giám Mục đoàn, ban hành với mục đích trình bày giáo lý hay bài trừ các tư tưởng sai lầm”. (Bộ Giáo Luật, điều 754)

    (24). Tông đồ (Apostle)
    Tông đồ là ai?Các môn đệ của Chúa Giê-su là những người được Ngài tuyển chọn và mời gọi theo Ngài. Và khi các ông vâng lệnh Ngài đi loan báo Tin Mừng về Nước Trời cho muôn dân, thì các ông trở thành những tông đồ của Ngài. Vậy, tông đồ là những người được Đức Giê-su mời gọi theo Ngài để tiếp nối việc loan báo Tin Mừng và công trình cứu rỗi của Ngài. Hiện nay, Đức Giê-su không còn ở trần gian một cách hữu hình để kêu gọi ai làm môn đệ Ngài như xưa. Nhưng Ngài vẫn tiếp tục tuyển chọn nhiều người làm môn đệ Ngài và mời gọi họ bằng tiếng nói từ trong tâm hồn họ”.

    “Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Si-môn (Simon), cũng gọi là Phê-rô (Peter), rồi đến ông An-rê (Andrew), anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê (James) con ông Dêbêđê (Zebedee) và ông Gio-an (John), em của ông; ông Phi-líp-phê (Philip) và ông Ba-tô-lô-mê-ô (Bartholomew); ông Tô-ma (Thomas) và ông Mát-thêu (Matthew) người thu thuế; ông Gia-cô-bê (James) con ông An-phê (Alphaeus) và ông Ta-đê-ô (Thaddeus); ông Si-môn (Simon) thuộc nhóm Quá Khích (Cananean), và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt (Judas Iscariot), chính là kẻ nộp Người”. (Mt 10, 2-4).

    (Còn tiếp)

  8. #8
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 2: Thánh Kinh đại cương

    (Tiếp theo và hết Bài 2)

    (25). Thánh sử (Evangelist Saint)
    Thánh sử còn gọi là thánh ký, là các tác giả viết các sách Thánh.

    (26). Thánh Truyền (Sacred Tradition)
    Thánh Truyền hay còn gọi là Truyền Thống Tông Đồ (Apostolic Tradition) là truyền thống rao giảng “Lời Thiên Chúa mà Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các tông đồ, và lưu truyền toàn vẹn cho những người kế nhiệm các ngài, để nhờ Thánh Thần chân lý soi sáng, họ trung thành gìn giữ, trình bày và phổ biến qua lời rao giảng”. (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, điều 81, đoạn 2).

    (27). Thị kiến (Vision)
    Theo tự điển “Từ vựng triết thần” trên trang mạng “Hợp Tuyển Thần Học” của “một nhóm linh mục người Việt đang phục vụ tại nhiều nước” thì ý nghĩa của Vision như sau:
    “Vision: Nhìn thấy; thị giác; nhãn quan; thấu thị, tầm nhìn sắc bén; linh thị, diện kiến, thị kiến; ảo ảnh/tưởng.
    Beatific vision: diệu kiến, phúc kiến
    Vision of God: diện kiến TC”

    Theo ý nghĩa tổng quát, thị kiến là điều gì đó được nhìn thấy trong một giấc mơ, hay trong một trạng thái xuất thần, hoặc một trạng thái nhập định trong tôn giáo, đặc biệt là có sự xuất hiện của siêu nhiên để truyền đạt một sự mặc khải. Thị kiến có thể xảy ra trong giấc mơ, nhưng thường có sự rõ ràng hơn là những giấc mơ, hoặc xảy ra khi đang thức tỉnh.
    Trong các sách Thánh Kinh, thị kiến là một trong những cách thức Thiên Chúa truyền đạt lời của Người cho ngôn sứ để ngôn sứ rao giảng lại cho dân của Chúa. Nói nôm na thị kiến là tận mắt thấy Thiên Chúa hiện ra, trong giấc mơ hay khi thức tỉnh, truyền đạt một điều mặc khải nào đó cho ngôn sứ. Các ngôn sứ, hay tiên tri, chỉ nói lại lời của Thiên Chúa đã truyền đạt cho họ thông qua các thị kiến. Các ngôn sứ, hay tiên tri trong các sách Thánh Kinh, không nói trước tương lai dựa vào những điều họ tự thấy được, theo kiểu như sấm Trạng Trình hay sấm của Nostradamus tiên đoán tương lai.

    Bài đọc thêm: Vision(s) từ Baker's Evangelical Dictionary of Biblical Theology và Visions and Apparitions trong từ điển Bách Khoa của Thiên Chúa giáo (Catholic Encyclopedia).

    (28). Thông điệp (Encyclycal Letter)
    Thông điệp là văn thư của Đức Giao hoàng gửi cho mọi thành phần trong Giáo Hội Công Giáo gồm Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Tu sỹ và Giáo dân. Nghĩa đen của “encyclycal letter” là thư luân lưu.


    (29). Thứ Kinh (Deuterocanonical Books)
    Về quy điển của các sách Cựu Ước, Giáo hội Tin Lành chỉ công nhận có 39 sách có ơn linh hứng trong lúc Giáo hội Công giáo La mã công nhận có 46 sách. Bảy quyển sách có trong quy điển của Giáo hội Công giáo La mã, nhưng không có trong quy điển của Hội Thánh Tin Lành, là: Giu-đi-tha (Judith), Tô-bi-a (Tobit), Khôn ngoan (Wisdom, or Wisdom of Solomon), Huấn ca (Sirach, or Wisdom of Ben Sira), Ba-rúc (Baruch), 1 Ma-ca-bê (1 Maccabees) và 2 Ma-ca-bê (2 Maccabees).
    Bảy quyển sách sai biệt này được Giáo hội Công giáo gọi là Thứ Kinh (secondary canon) hay Đệ nhị quy điển (Deuterocanonical books) và Hội Thánh Tin Lành gọi là Ngụy kinh (Apocrypha), hay Ẩn Kinh (hidden canon).

    (30). Thượng Hội Ðồng Giám Mục (Synod of Bishops)
    “Ngày 15 tháng 9 năm 1965, Đức Thánh Cha (ÐTC) Phaolo VI với Tự Sắc* "Apostolica Sollicitudo", thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục.
    Thượng Hội Ðồng Giám Mục là gì? Là một Khóa Họp của các giám mục, được lựa chọn từ các miền khác nhau trên thế giới và một số vị do ÐTC chỉ định. Các vị được chọn và được ÐTC chỉ định họp nhau do chính ÐTC triệu tập, vào những thời kỳ nhất định, hoặc trong những trường hợp ÐTC xét là cần thiết, với mục đích cổ võ sự hiệp nhất chặt chẽ giữa vị Giám Mục Roma (Kế vị Thánh Phêrô, đứng đầu viện Giám Mục) và chính các giám mục (kế vị các Thánh Tông Ðồ) để bảo tồn và tăng trưởng đức tin và luân lý, tuân giữ và củng cố kỷ luật của Giáo Hội và hơn nữa, để nghiên cứu các vấn đề liên hệ đến hoạt động của Giáo Hội trên thế giới.
    Trong Thượng Hội Ðồng các Nghị Phụ bàn thảo về các đề tài, về các vấn đề đã được đề nghị và phát biểu bằng lá phiếu, nhưng không có quyền quyết định và công bố các sắc lệnh về các vấn đề đã được bàn thảo và bỏ phiếu. Việc quyết định và phê chuẩn sau cùng luôn luôn là quyền của của Ðức Thánh Cha, trừ khi ngài cho phép cách công khai các Nghị phụ được quyết định. Các Vị cộng tác chỉ có quyền "cố vấn" mà thôi. Quyền của Vị Giám mục Roma là quyền tuyệt đối, dựa trên lời Chúa phán với Thánh Phêrô thủ lãnh của Tông Ðồ đoàn: "Này con là đá, Cha sẽ xây Giáo Hội Ta trên tảng đá này... Con hãy củng cố đức tin của anh em con". Thánh Phêrô thi hành quyền này dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: Người là Thần Chân Lý. Vì thế chúng ta có thể nói: Thượng Hội Ðồng Giám mục thế giới chỉ là "Cơ quan cố vấn" giúp ÐTC trong việc quản trị Giáo hội.
    Thượng Hội Ðồng khác hẳn Công Ðồng Chung: Công Ðồng Chung, với sự tham dự của tất cả các giám thế giới do ÐTC triệu tập, có quyền bàn thảo, quyết định, nhưng luôn trong hiệp thông với Vị Giám Mục Roma và do ngài chuẩn y, công bố các Hiến chế, các Sắc lệnh, các văn kiện khác, như chúng ta thấy trong Công Ðồng Chung Vatican 2 mới đây (1962-1965)”.


    Khóa Họp Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục (THÐGM) Mỹ Châu (16/11/1997-12/12/1997) là khóa họp THÐGM đầu tiên của Giáo hội Công giáo.
    Khóa họp kỳ tới sẽ là khóa họp thường lệ lần thứ 14 của THÐGM thế giới về “Ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay” (Từ ngày 04/10/2015 đến ngày 25/10/2015).
    “Nghị phụ” là từ để chỉ các thành viên tham dự Thượng Hội Ðồng hay Công Ðồng Chung.
    Về Thượng Hội Đồng Giám Mục: Xin xem thêm Bộ Giáo Luật, từ điều 342 đến điều 348.

    (31). Thượng tế (High Priest)
    Thời Cựu Ước và Tân Ước, thượng tế là vị đứng đầu của giới tư tế; tư tế là một thành phần của xã hội chỉ lo việc cử hành phụng tự trong các hội đường. Xin xem từ Lê-vi ở trên.

    (32). Tiên tri (Prophet)
    Tiên có nghĩa là sớm, trước; tri có nghĩa là biết, nhận ra. Trong các sách Thánh Kinh, tiên tri “là người nói ra điều đã được biết trước đó nhờ Thiên Chúa linh ứng với niềm tin rằng lời mà ông loan báo sẽ được thực hiện”. Trong tài liệu này “tiên tri” được hiểu cùng một nghĩa như “ngôn sứ”.

    (33). Tín lý (Dogma)
    Tín lý hay Tín điều là điều giáo dân phải tin và buộc phải tuân giữ.

    (34). Tư tế (Sacerdos)
    Thời Cựu Ước và Tân Ước, tư tế là một thành phần của xã hội chỉ lo việc cử hành phụng tự trong các hội đường. Xin xem từ Lê-vi ở trên.

    Ngày nay, tư tế (Sacerdocy) được dùng để chỉ các giám mục và các linh mục: "Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Hội Thánh được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được gọi là: giám mục (bishop), linh mục (priest) và phó tế (deacon)" (x. LG 28). Giáo lý Công Giáo được diễn tả trong Phụng Vụ, Huấn Quyền và cách thực hành liên tục trong Hội Thánh thừa nhận có hai cấp bậc tham dự như thừa tác viên vào chức tư tế của Ðức Ki-tô: hàng giám mục và hàng linh mục. Hàng phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ và phục vụ các giám mục và linh mục. Vì thế từ "Sacerdos" (tư tế) hiện nay được dùng để chỉ các giám mục và các linh mục, nhưng không chỉ các phó tế. Tuy nhiên, giáo lý Công Giáo dạy rằng những cấp bậc tư tế thừa tác (giám mục và linh mục) và cấp bậc phục vụ (phó tế) cả ba đều được trao ban qua một hành vi bí tích được gọi "Ordinatio", nghĩa là qua bí tích Truyền Chức. (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, điều 1554)
    (x. LG 28) có nghĩa là xem LG 28 và LG 28 có nghĩa là điều 28 trong Lumen Gentium, hay Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội.

    (35). Tuyên ngôn (Declaration)
    “Tuyên” có nghĩa là rao cho mọi người biết; “ngôn” có nghĩa là nói.
    Tuyên ngôn là văn kiện của Giáo Hội nói lên lập trường, chính sách của Giáo Hội về một vấn đề nào đó. Ví dụ tuyên ngôn Tự do tôn giáo (Dingitatis Humanae) của Công Đồng Vatican II nói lên lập trường, chính sách của Hội Thánh về Tự do tôn giáo.

    (36). Tự sắc (Motu Proprio)
    “Tự sắc” có nghĩa là gì?”Tự sắc là một sắc lệnh mà những điều khoản trong bản văn được chính vị giáo hoàng quyết định, chứ không đến từ một vị hồng y hoặc cố vấn. Vì vậy mà loại sắc lệnh này được gọi là “tự sắc”, dịch từ chữ La-tinh “motu proprio”, có nghĩa là “of his own motion”, “of one’s own accord”, hay là “tự đề xướng, tự ý”, chứ không do ai thúc bách, thúc giục.
    Ví dụ về tự sắc: Ngày 15 tháng 9 năm 1965, ÐTC Phaolo VI với Tự Sắc "Apostolica Sollicitudo", thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục (Synodus Episcoporum).
    ***
    (Hết Bài 2)

    Các bài viết sẽ đăng :
    Bài 3: Các bản dịch của Thánh Kinh.
    Bài 4: Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh.
    Bài 5: So sánh các sách Thánh Kinh trong các tôn giáo thờ kính Thiên Chúa.
    Bài 6: Trong Giáo hội Công Giáo La Mã, ai được quyền giải thích Thánh Kinh?
    Bài 7: Các phương tiện dùng để tìm hiểu chuyên sâu Thánh Kinh.
    Bài 8: Tóm tắt các điểm quan trọng của 46 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước trong Giáo hội Công Giáo.

    Tài liệu tham khảo :
    (1). Tài liệu về Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
    a. Để đào sâu Kinh Thánh và Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ở Việt Nam - Đỗ Mạnh Tri:
    http://kinhthanhchomoinguoi.org/entrydetail/88
    b. Hình thành và quá trình hoạt động của nhóm qua hai giai đoạn:
    Chặng 1: 1971- 1996:
    http://kinhthanhchomoinguoi.org/stat...2trchang_1.pdf
    Chặng 2: 1997- 2011:
    http://kinhthanhchomoinguoi.org/stat...2trchang_2.pdf
    c. Danh sách các thành viên Nhóm theo thứ tự thời gian gia nhập:
    http://kinhthanhchomoinguoi.org/stat...nhom.2tr_2.pdf
    d. Giới thiệu sách của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ:
    http://kinhthanhchomoinguoi.org/booklist/

    (2). Xin xem thêm YouTube video “Thánh Kinh là gì?” Giảng viên: Lm. Phạm Quốc Văn OP. – Xin coi thêm trong phần “Show More” bên dưới YouTube video:
    http://www.youtube.com/watch?feature...&v=ijZ-4QN8mHM

  9. #9
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 3 - Các bản dịch của Thánh Kinh

    Bài 3 - Các bản dịch của Thánh Kinh
    ***

    I. Các ngôn ngữ được dùng trong Thánh Kinh thời cổ đại.
    1. Lịch sử vắn tắt nước Do Thái cổ.
    2. Tiếng Do Thái.
    3. Tiếng Aram.
    4. Tiếng Hy Lạp.
    5. Tiếng La-tinh.

    II. Các bản dịch cổ của Thánh Kinh.
    1. Nguyên bản Thánh Kinh và tiếng Do Thái - Bản Masoretic Text (thế kỷ X sCN).
    2. Các bản thông dịch sang tiếng Aram – Targum (thế kỷ thứ I sCN).
    a. Targum Onḳelos hay Babylonian Targum (thế kỷ thứ II sCN).
    b. Targum Jonathan Ben Uzziel (thế kỷ thứ II hay III sCN).
    3. Các bản dịch sang tiếng Hy Lạp - Bản Bảy Mươi (Septuagint, khoảng năm 132 tCN).
    4. Các bản dịch sang tiếng Xyriac - Bản Peshitta.
    a. Bản Diatessaron (khoảng năm 170 sCN).
    b. Các bản Syriac cổ (khoảng thế kỷ II–IV sCN).
    c. Bản Peshitta (khoảng thế kỷ V sCN).
    5. Các bản dịch sang tiếng La-tinh - Bản Phổ Thông.
    a. Bản Vetus Latina (khoảng thế kỷ thứ II sCN).
    b. Bản Phổ Thông Vulgate của Thánh Giê-rô-ni-mô (Jerome, năm 405 sCN).
    c. Bản Sixtine Clementine (1592).
    d. Bản Tân Phổ Thông (1979).

    III. Các bản dịch Anh ngữ của Thánh Kinh.
    1. Các bản dịch Anh ngữ của Hội Thánh Tin Lành:
    a. Bản tiếng Anh đầu tiên do John Wycliffe dịch (1382).
    b. Bản King James (1611)
    c. Revised Standard Version, Protestant Edition (1952)
    c1. English Revised Version – ERV (1885)
    c2. American Standard Version – ASV (1901)
    c3. Revised Standard Version – RSV (1952)
    2. Các bản dịch Anh ngữ của Giáo hội Công Giáo:
    a. Douay–Rheims Bible (1582)
    b. Revised Standard Version, Catholic Edition (1966)
    c. Jerusalem Bible (1966)
    d. New American Bible (1970)

    IV. Các bản dịch Viêt ngữ của Thánh Kinh.
    1. Các bản dịch Việt ngữ trong Hội Thánh Tin Lành:
    a. Kinh Thánh Việt ngữ 1926 - Bản Truyền Thống
    b. Bản Dịch Mới 2002.
    c. Bản Phổ Thông 2010.
    d. Bản Dịch 2011.
    2. Các bản dịch Việt ngữ trong Giáo hội Công Giáo:
    a. Bản dịch của Linh mục Albertus Schlicklin (Cố Chính Linh) – (1913)
    b. Bản dịch của Linh mục Gérard Gagnon (Cha Nhân) - (1963)
    c. Bản dịch của Linh mục Đaminh Trần đức Huân - (1970)
    d. Bản dịch của Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn - (1976)
    e. Bản dịch của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn - (1985)
    f. Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
    f1. Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước – (1998-2004)
    f2. Kinh Thánh - Lời Chúa Cho Mọi Người – (2006-2014)
    f3. Kinh Thánh ấn bản 2011 – (2011)

    V. Các bản dịch Thánh Kinh của các nước khác.
    ***
    Last edited by Truc Vo; 26-03-2015 at 05:03 AM.

  10. #10
    Member Truc Vo's Avatar
    Join Date
    11-08-2010
    Posts
    907

    Bài 3 - Các bản dịch của Thánh Kinh

    I. Các ngôn ngữ được dùng trong Thánh Kinh thời cổ đại
    Thánh Kinh có nguồn gốc từ Do Thái nên các ngôn ngữ được dùng trong Thánh Kinh có liên hệ mật thiết đến các ngôn ngữ được dùng trong nước Do Thái cổ.
    Vì lý do nêu trên, trước khi xét qua các ngôn ngữ được dùng trong Thánh Kinh, tưởng cũng nên biết qua lịch sử vắn tắt nước Do Thái cổ theo lịch sử và theo Kinh Thánh Cựu Ước.

    1. Lịch sử vắn tắt nước Do Thái cổ
    Vào thuở lập quốc khoảng năm 1200-1050 tCN, nước Do Thái có hình dạng như trong bản đồ sau đây:


    Theo sách Sáng thế trong Cựu Ước, ông Gia-cóp (Jacob, thế hệ thứ 23 kể từ ông Adam và bà Eve), con của I-xa-ác (Isaac), và là cháu nội của tổ phụ Áp-ra-ham (Abraham), có 12 con có tên là Rưu-vên (Reuben), Si-Mê-Ôn (Simeon), Lê-vi (Levi), Giu-đa (Judah), Dơ-vu-lun (Zebulun), Ít-xa-kha (Issachar), Đan (Dan), Gát (Gad), A-Se (Asher), Náp-ta-li (Naphtali), Giu-se (Joseph) và Ben-gia-min (Benjamin). Xin xem sách Sáng thế chương 35 câu 23, (St 35, 23).
    Khi về già, ông Gia-cóp nhận thêm hai cháu nội là Mơ-na-se (Manasseh) và Ép-ra-im (Ephraim), vốn là con của ông Giu-se, (x. St 48). Như vậy có thể nói ông Gia-cóp có 12 con ruột và 2 nghĩa tử.

    Vào khoảng 1200-1050 tCN, ông Giô-suê (Joshua) người đã kế nghiệp ông Mô-sê (Moses) dẫn dắt dân Do Thái rời Ai cập vào được đất hứa Ca-na-an (Canaan), cho bắt thăm để chia đất Ca-na-an cho 12 chi tộc là các con của ông Gia-cóp, (x. Gs 13-20). Chi tộc Lê-vi được giao nhiệm vụ tư tế, (x. Gs 13, 33), thờ phượng Thiên Chúa, lo các mục vụ và điều hành công việc trong các hội đường (synagogue) hay các giáo đường Do Thái v.v…, (x. 1 Sb 23), nên không được chia đất giống như các chi tộc khác, tuy họ cũng nhận được một số thành phố có một ít đất đủ để nuôi đàn gia súc, xin xem sách Dân số, chương 35, (Ds 35). Hai người con nuôi của ông Gia-cóp là Mơ-na-se (Manasseh) và Ép-ra-im (Ephraim), vốn là con của ông Giu-se, được ông Giô-suê nâng cấp lên tình trạng của các chi tộc với đầy đủ quyền lợi của riêng mình, đã nhận hai phần đất riêng như các chi tộc khác.

    Vào khoảng thế kỷ 11 tCN, do áp lực vì bị người Phi-li-tinh (Philistines) và các bộ tộc láng giềng thường xuyên đánh phá nên 12 bộ lạc Do Thái đã hiệp nhất lại tạo thành Vương Quốc Do Thái Thống Nhất (United Kingdom of Israel). Ngôn sứ Sa-mu-en (Samuel) đã đề cử Sa-un (Saul) thuộc chi tộc Benjamin làm vị vua đầu tiên của vương quốc này, (x. 1 Sm 9 . 10). Đất của người Phi-li-tinh có tên là Philistia trong bản đồ trên.
    Vương Quốc Do Thái Thống Nhất đã hiện hữu từ khoảng năm 1030 đến khoảng năm 930 tCN.


    Vua Saul mất khoảng năm 1010 tCN khi đánh nhau với người Phi-li-tinh trên núi Ghin-bô-a (Mount Gilboa) nằm ở phía bắc Do Thái; ông đã tuẩn tiết vì không muốn người Philistines bắt sống, (x. 1 Sm 31, 1- 6). Sau khi vua Saul mất, con của Saul là Ít-bô-sét (Ish-bosheth) lên làm vua; Ish-bosheth làm vua được 2 năm, (1007 – 1005 tCN), thì bị hai vị tướng của ông là Rê-kháp (Rechab) và Ba-a-na (Baanah) ám sát chết, (x. 2 Sm 4, 5.6).

    Sau khi vua Ít-bô-sét chết, Ða-vít (David) lên làm vua Vương Quốc Do Thái Thống Nhất. Ða-vít cũng là người đã đánh thắng người khổng lồ Go-li-át (Goliath), người Phi-li-tinh, (x. 1 Sm 17). Ða-vít là con rể của vua Saul. Theo yêu cầu của vua Saul, sính lễ để Ða-vít được cưới Mi-khan (Michal), con gái thứ hai của vua Saul, là “một trăm bao quy đầu (foreskins) người Phi-li-tinh”, (x. 1 Sm 18, 25). Vua David trị vì Vương Quốc Do Thái Thống Nhất trong 32 năm (1002 – 970 tCN) và David trị vì Giu-đa 8 năm (1010 – 1002 tCN). Theo sách 1 Vua, chương 2 câu 11, (1 V 2, 11): “Thời gian vua Ða-vít trị vì Ít-ra-en là bốn mươi năm: vua trị vì tại Khép-rôn bảy năm và tại Giê-ru-sa-lem ba mươi ba năm”. David mất năm 970 tCN.

    Sau khi vua David mất, Sa-lô-môn (Solomon) là con của David lên làm vua cai trị Vương Quốc Do Thái Thống Nhất. Vua Solomon trị vì Vương Quốc Do Thái Thống Nhất trong 40 năm (970–931 tCN). Ông là người đã xây dựng đền thờ được gọi là Đền Thờ của vua Solomon hay Đền Thờ Thứ Nhất (First Temple) ở Giê-ru-sa-lem (Jerusalem), (x. 1V 6). Vua Sa-lô-môn nổi tiếng là người khôn ngoan, ông “có bảy trăm bà vợ chính thức và ba trăm cung phi; Và các bà ấy làm cho lòng vua ra hư hỏng”, (x. 1V 11, 3). Theo Kinh Thánh tiếng Do Thái, Solomon đã chết vì nguyên nhân tự nhiên vào khoảng năm 931 trước Công nguyên, thọ 80 tuổi.

    Sau cái chết của Solomon, con trai ông là Rơ-kháp-am (Rehoboam) lên kế nhiệm ông làm vua. Tất cả 10 bộ lạc ở phía Bắc (thật ra chỉ có 9 bộ lạc và một số thành viên của chi tộc Lê-vi) từ chối chấp nhận Rehoboam là vua của họ. Cuộc nổi dậy chống lại Rehoboam nảy sinh sau khi vua Rehoboam từ chối làm nhẹ gánh nặng thuế má và dịch vụ mà cha ông là vua Solomon đã áp đặt lên dân của mình. Chỉ có 2 bộ lạc Giu-đa và Ben-gia-min ở miền nam là ủng hộ Rehoboam. Thật ra có 3 bộ lạc, nếu kể bộ lạc Si-Mê-Ôn (Simeon) và một số thành viên của chi tộc Lê-vi. Vì lý do trên, vào khoảng năm 930 tCN Vương Quốc Do Thái Thống Nhất đã tách ra làm hai: Vương quốc Israel (Kingdom of Israel hay Vương quốc phía Bắc, hay Samaria) cai trị bởi Gia-róp-am (Jeroboam), một người thuộc chi tộc Ép-ra-im (Ephraim), và Vương quốc Giu-đa (Kingdom of Judah hay Vương quốc phía Nam) cai trị bởi Rơ-kháp-am (Rehoboam), một người thuộc chi tộc Ben-gia-min (Benjamin).


    Vương quốc Israel (hay Vương quốc phía Bắc, hay Samaria) tồn tại như một nhà nước độc lập cho đến năm 721 trước Công nguyên thì bị đánh chiếm bởi đế quốc Tân Át-xua (Neo Assyrian Empire 911–612, tCN), gọi tắt là Tân Assyria.

    Vương quốc Giu-đa (hay Vương quốc phía Nam) tồn tại như một nhà nước độc lập cho đến năm 587 trước Công nguyên thì bị chinh phạt bởi đế quốc Tân Ba-by-lon (Neo-Babylonian Empire, 626-539 tCN), gọi tắt là Tân Babylon.

    Từ năm 721 tCN vùng đất bao gồm Pa-lét-tin (Palestine) và Do Thái ngày nay, trong hơn 3000 năm đã được cai trị bởi các đế quốc Tân Assyria, Tân Babylon (nay là Iraq), Ba Tư (nay là Iran) hay đế quốc Achaemenes, Macedonia (Hy Lạp cổ đại), La Mã hay Rô-ma, Byzantine (Đông La Mã), Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) và Anh.

    Ranh giới của vùng đất bao gồm Palestine và Do Thái ngày nay cũng thay đổi tùy theo đế quốc cai trị nó; tên gọi của vùng đất này cũng thay đổi luôn, khi thì gọi là Do Thái khi thì gọi là Palestine, nhưng thường được gọi là Palestine, tuy vùng đất này ngày nay bao gồm hai nước riêng rẽ là Palestine và Do Thái.


    Thời Chúa Giêsu, Palestine được chia làm 3 miền: Miền Bắc là Ga-li-lê (Galilee), Miền Trung là Sa-ma-ri (Samaria), và Miền Nam là Giu-đê (Judea). Pa-lét-tin thời Chúa Giêsu bị đế quốc Rô-ma xâm chiếm và thâu thuế. Vua bù nhìn Hê-rô-đê (Herod Antipas, con của Herod the Great, hay Hê-rô-đê I) cai trị miền bắc Ga-li-lê. Miền trung Sa-ma-ri và miền nam Giu-đê thuộc quyền cai trị của Tổng Trấn Phi-la-tô (Pontius Pilate) do Rô-ma bổ nhiệm. Dân phải nộp thuế và đi lính cho đế quốc Rô-ma. Giu-đê là miền Chúa Giêsu được sinh ra và chịu chết trên Thánh Giá để cứu chuột tội lỗi của nhân loại.

    Palestine và Do Thái hiện nay được trình bày trong bản đồ sau đây. Ranh giới hiện nay của Palestine và Do Thái như sau: đất của Palestine có màu đỏ và chỉ ở Gaza Strip và ở West Bank; đất của Do Thái có màu xanh đậm.


    Tên nước Do Thái trong bản đồ trên chỉ được chính thức nhìn nhận sau khi nhà nước Israel tuyên bố thành lập ngày 15 tháng 5 năm 1948 tại Tel Aviv và tên Palestine trong bản đồ vừa nói cũng chỉ có sau khi nhà nước Palestine công bố thành lập ngày 15 tháng 11 năm 1988 tại Alger.

    (Còn tiếp)
    Last edited by Truc Vo; 25-03-2015 at 10:38 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 2 users browsing this thread. (0 members and 2 guests)

Similar Threads

  1. Replies: 14
    Last Post: 06-11-2012, 12:53 AM
  2. Replies: 15
    Last Post: 06-07-2012, 09:59 AM
  3. Báo Việt Nam nói về độc quyền vàng để ổn định kinh tế
    By NguờiPhu_KhuânVác in forum Tin Việt Nam
    Replies: 0
    Last Post: 04-12-2011, 06:17 AM
  4. Replies: 12
    Last Post: 26-10-2011, 07:59 AM
  5. Kính chuyển và nhờ phổ biến - đa tạ
    By gt2012 in forum Thông Báo Cộng Đồng
    Replies: 0
    Last Post: 02-06-2011, 05:25 PM

Bookmarks

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •