Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) tiếp tục vấp phải sự lỗi kỹ thuật trong thử nghiệm tại nhà máy Northrop Grumman ở nam California.
Greg Robinson, giám đốc chương trình JWST của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiết lộ đinh ốc và gioăng rơi ra từ bộ phận kính chống nắng của kính viễn vọng không gian James Webb trong buổi thuyết trình diễn ra tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia hôm 3/5. Kính chống nắng lớn bằng một sân tennis được thiết kế để bảo vệ kính viễn vọng trước ánh sáng và nhiệt độ cao.
Theo Robinson, các phần cứng rơi ra có vai trò tăng độ chắc chắn cho kính viễn vọng, nhưng không liên quan tới chức năng quang học của thiết bị. Thử nghiệm dao động âm và va chạm cơ học định kỳ đánh giá khả năng chống chịu môi trường khắc nghiệt trong vũ trụ của kính viễn vọng. "Ngay lúc này chúng tôi tin rằng tất cả phần cứng này, tức những đinh ốc và join ở đây, đến từ kính chống nắng. Chúng tôi đang xem xét tác động và kế hoạch sửa chữa", Robinson nói.
Đây không phải lần đầu tiên kính viễn vọng không gian James Webb trải qua lỗi kỹ thuật trước ngày phóng. Trước đó, kính chống nắng của thiết bị từng bị rách và các van ở động cơ đẩy bị rò rỉ. Những sự cố trên buộc NASA phải lùi lịch phóng từ thời gian dự kiến ban đầu là năm 2019.
Robinson tin chắc chương trình vẫn theo đúng tiến độ cho lịch phóng vào năm 2020. Ông giải thích lỗi này không ảnh hưởng tới tiến độ bởi lịch trình đặt ra bao gồm thời gian tiến hành sửa chữa. Trong thông báo hồi tháng 3, NASA cho biết kính viễn vọng không gian James Webb cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện hệ thống cuối cùng và vượt qua các thử nghiệm để đảm bảo phi vụ thành công.
Theo NASA, kính viễn vọng James Webb sẽ tìm kiếm những thiên hà đầu tiên hình thành trong vũ trụ thuở sơ khai và nhìn xuyên qua đám mây bụi để quan sát các sao tạo nên hệ thống hành tinh. "Đây là một cỗ máy thời gian với thiết bị quang học đủ nhạy để nhìn ngược quá khứ 13,5 tỷ năm", Scott Willoughby, một thành viên trong nhóm lắp ráp kính viễn vọng James Webb, chia sẻ.
James Webb sẽ thay thế kính viễn vọng Hubble của NASA, trở thành kính viễn vọng không gian mạnh nhất trong lịch sử. Hai bộ phận lớn nhất của nó là mặt gương chính và kính chống nắng. Chiếc kính sẽ được phóng vào không gian bằng hỏa tiễn Ariane 5 từ giàn phóng tại Guiana, Nam Mỹ, năm 2020.
Được dự kiến phóng lên vào năm 2020, giàn kính trong dự án 8,8 tỷ USD này sẽ mang tới cho các nhà thiên văn học những hình ảnh chưa từng có của vũ trụ. “Kính Webb sẽ khám phá bí ẩn trong Hệ Mặt Trời, nhìn xa hơn nữa vào thế giới của các vì sao và thăm dò cấu trúc cùng nguồn gốc huyền bí của vũ trụ, nơi chúng ta là một phần trong đó”, ông Feinberg nói. Chiếc kính Webb được thiết kế ưu việt hơn hẳn kính thiên văn Hubble được đưa lên vũ trụ từ năm 1990.
8,7 tỷ USD và 20 năm miệt mài
26 năm qua, kính thiên văn Hubble đã phát hiện hàng tỷ ngôi sao, thiên hà, hành tinh cùng vô số hiện tượng vũ trụ. Nay, khi nó sắp "nghỉ hưu", NASA đã chính thức lên chương trình khởi động kẻ kế tục, kính viễn vọng không gian thế hệ kế tiếp James Webb (JWST).
NASA đã đầu tư khoảng 8,7 tỷ USD cho dự án này và nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức khác như Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Canada. Số người tham gia vào dự án chế tạo JWST lên đến hàng nghìn.
"Chúng tôi đã mất hai thập kỷ làm việc vô cùng chăm chỉ với nhiệm vụ khó khăn này và đây chính là kết quả. Chúng tôi đang mở ra một lãnh địa mới cho ngành thiên văn học" - nhà khoa học John Mather, người phụ trách dự án - nói trong cuộc họp báo tháng 11/2016.
Về cấu tạo, JWST có một gương chính ghép từ 18 tấm gương hình lục giác có đường kính 6,5m. JWST được chia làm hai phần:
Một phần hướng về phía Mặt trời có nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho thiết bị và một phần giữ các bộ phận của kính hoạt động ở nhiệt độ tối ưu là -2200C - đủ lạnh để giảm thiểu ảnh hưởng của lượng nhiệt mà JWST sản sinh ra trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra, siêu kính viễn vọng còn được trang bị 3 máy thu hình hồng ngoại nhạy nhất trong lịch sử.
Kính viễn vọng siêu cấp này sẽ được gấp gọn trong một khoang kín tựa như một con nhộng rồi đặt ở tầng trên cùng của tên lửa đẩy. Khi đã ở quỹ đạo, JWST sẽ được bung ra để trở về đúng hình dạng của nó.
Không giống như kính Hubble quay quanh Trái Đất ở độ cao 547 km, kính thiên văn Webb sẽ được phóng lên độ cao gấp hơn 2.000 lần, tới L2, một trong 5 điểm Lagrange. Đây là vị trí lực hấp dẫn tổng hợp của Trái đất và Mặt trời cân bằng, giúp cho một kính được giữ ở vị trí cố định. Kính viễn vọng này sẽ tự chuyển động trong vũ trụ mà không cần đến động cơ hay lực đẩy nào và cho phép các nhà khoa học quan sát mà không bị cản trở. Vì nó ở xa như vậy nên NASA sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chỉnh sửa, thay thế và nâng cấp một loại thiết bị nào đó cho JWST như tiền nhiệm Hubble.
Do đó, NASA đã lên kế hoạch thử nghiệm kỹ lưỡng không cho phép sai sót đối với JWST trong vòng 2 năm tới trước khi chính thức phóng nó lên vũ trụ và đưa vào sử dụng trong năm 2020.
Các kỹ sư của NASA sẽ kiểm tra tất cả các kịch bản mà JWST sẽ phải đối mặt trong thời gian hai tuần kể từ khi phóng lên không gian và nhiều năm tồn tại trong quỹ đạo.
Theo Guardian, kính thiên văn này sẽ được thử nghiệm trong "môi trường âm thanh và chấn động mạnh của một vụ phóng tên lửa", bao gồm các bài kiểm tra về lực mạnh hơn gấp 10 lần lực hấp dẫn và các vụ nổ mô phỏng vụ nổ tên lửa.
NASA cho biết, JWST được thiết kế để có thể chống lại các vụ va chạm với những mảnh vỡ ngoài không gian.
Khám phá quá khứ của vũ trụ
NASA mô tả JWST như một cỗ máy thời gian, có thể giúp chúng ta nhìn về quá khứ 13,5 tỷ năm trước - tức là khoảng 200 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
Giải thích cơ chế của quá trình này, ông Jonathan Gardner - Phó Giám đốc dự án chế tạo JWST - cho biết: "Ánh sáng cần có thời gian để di chuyển từ một nơi nào đó đến Trái đất.
Nếu chúng ta nhìn càng xa vào vũ trụ, khoảng thời gian ánh sáng di chuyển từ nơi xuất phát đến đây càng dài. Nếu nhìn đủ xa, chúng ta có thể chứng kiến quá khứ của vũ trụ, nhìn ngược về thời điểm vũ trụ trẻ hơn bây giờ rất nhiều, thậm chí là thời điểm của vụ nổ Big Bang cách đây 13 tỷ năm".
Được dự kiến phóng lên vào năm 2020, giàn kính trong dự án 8,8 tỷ USD sẽ mang tới cho các nhà thiên văn học những hình ảnh chưa từng có của vũ trụ. “Kính Webb sẽ khám phá bí ẩn trong Hệ Mặt Trời, nhìn xa hơn nữa vào thế giới của các vì sao và thăm dò cấu trúc cùng nguồn gốc huyền bí của vũ trụ, nơi chúng ta là một phần trong đó”
Kính thiên văn Webb nhìn thẳng vào sâu trong không gian qua bức xạ hồng ngoại (nhiệt). Nhiệt độ của chiếc kính phải rất thấp để tránh tỏa nhiệt gây ảnh hưởng tới việc quan sát. “Nếu kính Webb có nhiệt độ giống như kính Hubble, ánh sáng hồng ngoại yếu từ vũ trụ xa xôi sẽ biến mất trước sự tỏa nhiệt của chính chiếc kính”, ông Feinberg giải thích. Để bảo vệ khỏi ánh sáng Mặt trời, các nhà khoa học sử dụng một giàn 21 m làm từ chất liệu cách nhiệt đặc biệt. Hệ thống này sẽ giúp kính Webb duy trì nhiệt độ -223 độ C, lạnh hơn 3 lần so với nhiệt độ lạnh nhất từng đo được tại Trái đất.
Theo Daily Mail, JWST lớn hơn Hubble 3 lần, có mức độ hội tụ ánh sáng gấp 7 lần, do đó mạnh gấp 100 lần "người tiền nhiệm". Vì thế, nó còn được gọi là "siêu Hubble".
John Mather tiết lộ, JWST có thể phát hiện sự hiện diện của một con ong trên Mặt trăng nhờ thân nhiệt của nó. Điều đó cho phép các nhà khoa học nhìn được chi tiết hơn các hành tinh, các bầu khí quyển, mùa, thời tiết hoặc thậm chí là dấu hiệu của sự sống trong vũ trụ.
"Chúng tôi rất muốn biết có hành tinh nào khác ngoài vũ trụ sở hữu một đại dương nước hay không. Giờ đây, với JWST chúng tôi tin tưởng có thể phát hiện ra chúng" - John Mather nói.
JWST sẽ quan sát những đám mây bụi vũ trụ ở nơi những ngôi sao và hành tinh đang được sinh ra. Charles Bolden - Giám đốc của NASA - tin tưởng rằng JWST đủ sức mạnh để nhìn thấy các ngôi sao và những hành tinh hình thành sớm nhất của vũ trụ.
"NASA luôn luôn tìm cách làm sáng tỏ những bí ẩn trong vũ trụ của chúng ta; giải đáp câu hỏi chúng ta đến từ đâu, nơi chúng ta đang đi và liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ hay không.
Chúng tôi xây dựng kính viễn vọng không gian James Webb để trả lời những câu hỏi kinh điển này" - ông Charles Bolden cho biết trên Guardian.
Soha, Zing, VnExpress
Bookmarks