Thời gian lúc tôi còn thơ ấu 1940-1950, trẻ con trong làng, giàu cũng như nghèo không có được những món đồ chơi như đám con tôi sau này, nào xe hơi chạy bằng pin điện, nào tàu con chạy trên nước, búp bê biết nói biết cười, thậm chí súng M16 bằng nhựa bắn xẹt lửa.
Càng không thể tưởng tượng như bây giờ mấy đứa cháu tôi ở Mỹ có đủ thứ đồ chơi nhằm thỏa mãn sự tò mò, óc sáng tạo của chúng nó hay khêu gợi sự thích thú về âm nhạc và màu sắc.
Ðồ chơi vừa đem lại sự thích thú vừa là phương tiện giáo dục cho trẻ con thời đại ngày nay.
Ðồ chơi nhiều đến nỗi chất cả đống trong một góc nhà hay cả một phòng dành cho chúng nó vui đùa phá phách.
Nhưng xét cho cùng mỗi thế hệ có những món chơi thích hợp với thời đại của thế hệ đó và cũng thỏa mãn được những thú vui hay sự ưa thích của đám con nít sống trong xã hội lúc bấy giờ.
Tuổi thơ của tôi ở nhà quê có những thú vui rất thông thường giản dị, kể lại chỉ có những độc giả ngoài năm mươi tuổi mới hiểu được vì đã thấy hay có chơi qua, như bẫy chim, bắt tổ chim, đánh trổng, u nước, mổ đáo tường, đá banh chuối .
Bẫy Cò
Trò chơi vui thích nhứt, ít khi bắt được chim nhưng mỗi lần gài dính một con cò bị treo cổ lòng thòng trên cần bẫy là một sự vui mừng khó tả, một thành công, một chiến thắng của anh em tôi và là một đề tài để chúng tôi hãnh diện bàn tán khoe khoang, đôi khi còn thêm mắm dậm muối cho ra vẻ ta đây là thiện nghệ.
Còn đối với những người trong nhà như bà cô tôi hay mấy chú giúp việc thì họ chế nhạo rằng:
Tao có vạch con mắt nó thấy một bên bít chịt còn một bên sưng tù vù hình như con cò nầy không thấy đường đó tụi bây!
Cho dù có nói gì đi nữa thì chúng tôi cũng được ăn một món thịt cò bầm nhỏ có xả ớt, xào khô, xúc bánh tráng nước dừa và món canh lá bầu non với thịt cò ngon ơi là ngon.
Ðồng ruộng miền Nam thời đó có chim đầy đồng, nước ngập có tràn bè, giang sen, diệc mốc, bay qua đáp xuống tìm cá.
Mùa gặt lúa xong, nhiều cánh đồng còn ít nước đọng vũng, những nơi đó cò trắng đáp từng đàn hàng trăm con, lăn xăng tìm nhái con, cá nhỏ còn sót lại, ngày nào cũng thấy trắng ruộng. Khoản thời gian đó là thuận tiện nhứt để gài bẫy cò.
Bẫy cò rất đơn giản. Một cần tre thật dịu dài hai thước, một sợi dây chắc chừng một thước, khoản bảy tấc dây cột dính vào một thanh tre nhỏ chừng năm phân, giữa thanh tre cột một dây có lưỡi câu để móc cá con hay nhái làm mồi nhử cò.
Ba tấc dây cuối cùng còn lại làm vòng tròn như thòng lọng để siết cổ cò.
Khi gài bẫy người ta khoét lỗ tròn hoặc lợi dụng lỗ chân trâu có nước khá sâu.
Cần bẫy cắm sâu vào đất, hai bên miệng lỗ cắm hai thanh tre xéo ở đầu miệng, gài cây ngang có cá mồi dính trong lưỡi câu.
Cò mổ cá, cây ngang sụp, cần tre bật, vòng thòng lọng thắt đầu cò treo cổ chờ chết.
Cũng có khi cò giẫm chân trúng bẫy, nó giãy giụa bay hết trớn, nếu cần bẫy cắm không sâu dưới đất hay thòng lọng siết chân nó không chặt thì sút chân bay mất hoăỳc nhổ luôn cần bẫy mất cả chì lẫn chài.
Trong trường hợp cò bị rủi ro mắc chân thì rất khó gỡ, nó bay tứ tung khó lòng bắt trúng nó bởi vì phải e chừng nó mổ vào tay rách thịt, nếu không may trúng mắt có thể bị đui.
Người lớn hay nhát chúng tôi về vụ đui mắt nên mỗi lần như vậy là chúng tôi dùng roi quất cho cò ngã chết mới dám lại gần.
Cái vui mừng, sự hồi hộp khi thấy con cò bị treo cổ, giống như tôi được giải nhứt trong lớp trúng thưởng cuối năm, hay bỗng nhiên ông nội gọi cho một số tiền lớn.
Sung sướng vì có cơ hội để khoác lác với bạn bè.
Còn đôi khi cò bị vướng chân thì mừng ít sợ nhiều, chỉ khi nào đập chết con cò tháo gỡ xong thì nỗi sợ mới biến thành sự vui mừng không được hớn hở trọn vẹn.
Ðánh trổng tán u
Bộ trổng gòm một cây thước tròn gọn để cầm tay, dài độ năm sáu tấc và một con trổng nhỏ bằng ngón tay cái dài một tấc rưởi hoặc hai tấc. Buổi chiều trời mát rủ nhau ra ruộng khô hoặc tìm sân, bãi nào trống.
Khởi sự lấy đầu cây thước xoi khoét một lỗ nhỏ xiên vừa để con trổng nằm nhóc đầu lên, lú ra một chút, đủ để đập xuống đầu nó con trổng văng bổng lên, gọi là chặt gồng, đồng thời đánh mạnh vào con trổng, gọi là tán, cho nó đi càng xa mịt mù càng tốt.
Ðứa nào tán xa hơn là ăn, đứa nào tán gần là thua, đứa nào tán hụt thì thua chắc.
Thằng nào ăn thì cầm con trổng và cây thước trong cùng một tay, thảy bổng con trổng lên tán trúng cho đi thật xa, con trổng vừa rớt xuống đất thằng thua bắt đầu chạy đi lượm con trổng về, miệng phải kêu lớn u.u.u không được đứt hơi, nếu chạy xa trở về mà đứt hơi thì phải tán lại và u lại cho tới khi nào đem được con trổng về đúng luật lệ mới khởi sự chơi bàn khác. Nếu kẻ thắng tán hụt con trổng rớt tại chỗ thì khỏi u.
Người lớn đánh trổng ăn tiền, người ta tán con trổng đi xa và lấy cây thước vừa đi vừa đo tổng cộng bao nhiêu thước rồi hai bên trừ số sai biệt, được bao nhiêu thước là phải chung bấy nhiêu xu.
U Nước
Một đám bạn bè chia nhau bắt bồ thành hai phe. Gạch một lằn ranh chia thành hai nước.
Một thằng bên này chạy qua lằn mức bên kia miệng kêu lớn u.u.u không được phép đứt hơi, lấy tay bắt trúng mình một đối thủ và chạy thoát về kịp bên nước mình thì đối thủ bị bắt trúng chịu chết ra khỏi hàng ngũ. Nếu anh chàng u.u.u.. xong qua nước người ta mà bị kẻ địch xúm nhau bắt cứng bên đó hoặc đứt hơi nửa chừng thì coi như chết phải ra sân. Cứ như vậy mà chơi cho đến khi nước nào hết quân là thua.
Chọi đáo ăn cổng
Mỗi thằng có một đồng xu, bằng đồng hay bằng chì, nặng nhẹ, lớn nhỏ tùy ý miễn sao cầm vừa tay và đừng quá lớn vì người ta sẽ chọi dễ trúng đồng tiền của mình.
Thời tôi còn nhỏ có một xu bằng đồng, lớn bằng rưỡi đồng quarter dollar của Mỹ, nó mỏng và nhỏ, người ta chọi khó trúng nhưng nhẹ quá không vừa tay khó chơi.
Do đó đa số đi tìm chì hay đồng nấu chảy, đổ vào một lỗ đất khoét sẵn cho vừa ý mình. Ðợi chì hay đồng nguội, lấy lên mài bằng mặt, dẹp tròn vừa tầm chọi cho sướng tay Ai có tiền thì nhờ thợ bạc làm bằng đồng chì theo ý muốn của mình.
Chọi đáo thường chơi hai đứa, thằng đi trước thảy xu xa ,gần tùy ý, gọi là “thí”, thằng sau nhắm chọi trúng là ăn, nếu không trúng thì đồng xu của mình văng gần, hay xa đồng của người ta phải để y đó cho người ta chọi trúng thì thua.
Ai thua khom lưng xuống cho kẻ thắng trận leo lên lưng cầm đồng tiền của kẻ bại thảy xa gần tùy ý rồi nhắm nó mà chọi trúng thì được ngồi trên lưng cho người ta cõng tới đó lượm xu trở về mức khởi điểm.
Thường trước khi chơi phải giao hẹn:
Có quyền nhảy lên lưng ngựa hay không? Nếu là có thì tội nghiệp cho kẻ thua!
Thằng bạn nó lấy trớn phóng lên lưng mình có khi muốn té chúi nhũi. Con nít ác ôn như vậy đó, nhưng mọi thằng vẫn thấy đó là vui là thích khi được hành tội người khác.
Mổ đáo tường
Trước khi chơi phải vẽ một khung lớn hình chữ nhựt. Ðầu dưới lấy gạch kê một tấm ván dài năm tấc ngang ba tấc, nằm ngửa mặt, đủ độ nghiên để cầm đồng xu mổ vào đó nó chạy quanh như thế nào mà không ra khỏi đường vẽ cao nhứt.
Ai mổ ra khỏi lằn mức trên cao thì coi như chết. Lượm xu về để trên dấu chết cách tấm ván chừng năm tấc.
Mọi người đều nhắm canh làm sao để mổ cho đồng xu của mình nằm cao trên hết thì có quyền chọi những xu của người khác nằm dưới, rồi cứ tiếp tục chọi nếu trúng thì tiếp nửa, nếu trật thì người kế tiếp chọi đồng xu của người dưới mình.
Ai thua thì đưa lưng ra chịu cho người khác cỡi. Con nít chơi ăn cõng người lớn chơi ăn tiền nhưng ít khi thấy người lớn chơi mấy cái trò như vừa tả trên đây.
Ðá banh chuối
Làm một trái banh chuối quá dễ, lấy những tàu chuối khô, tuốt lá, còn lại tàu khô xé ra làm dây, nối liền nhau từng khúc dài.
Cuộn lá chuối khô, dùng giây quấn chặt thành một cục tròn nhỏ, rồi cứ thế mà quấn lá thêm vào, ràng dây siết chặt thành một cục tròn lớn hơn.
Lớp thứ ba phải dùng toàn bằng dây quấn thành một trái banh lớn nhỏ tùy ý bọn con nít trong làng chơi chung với nhau.
Rồi hai thằng đầu đảng bắt bồ, chia làm hai phe, khi nào có lẻ một thằng thì bên nào ỷ mạnh sẽ chấp bên kia thêm một cầu thủ.
Ðá banh trên đường lộ, bằng phẳng dễ chơi nhưng thỉnh thoảng có người lớn đi ngang qua thì phải ngừng, nếu là thằng nhỏ trong làng đi qua thì không ngừng nhưng có thằng liến khỉ xong vô đá bậy một cái rồi chạy thì cả lũ chưởi bới inh ỏi, có thằng tức giận bỏ sân rượt theo dĩ nhiên là chạy không kịp!
Vui thật là vui. Nếu không may gặp cha mẹ hay cô bác của một cầu thủ đang hăng hái giành banh thì người cô bác đó đứng lại xỉ vả cả đám một hồi rồi đuổi xuống ruộng mà đá.
Ruộng lồi lõm làm sao đá? Chỉ lấy chân dích banh và chạy theo giành, tất cả đám “xây lố cố” chúng tôi quần riết thửa ruộng cũng bị san bằng thành sân banh!
Những ngày nghỉ bãi trường, chiều nào không đánh trổng thì cũng chọi đáo, u nước hay đá banh chuối cho tới chạng vạng tối mới về nhà tắm rửa.
Bắt ổ chim
Kỷ niệm ở đồng quê, sự đam mê của tuổi trẻ thật đơn sơ giản dị. Những thế hệ con em sinh ra ở thành thị không chung đụng với thiên nhiên, khó biết loài chim sinh trưởng như thế nào?
Nếu có đứa nào ham muốn nuôi chim thì cha mẹ cho tiền mua thú sắm lòng. Chim biết hót, chim biết nói chúng lại tự hỏi làm sao chim nói được tiếng người?
Tôi đã từng bắt khá nhiều ổ chim, đã từng nuôi cưởng biết nói, dồng dộc đeo theo mình, cu đất cu ngói lớn khôn bay mất, chim sẻ khó dạy, chim sắc dễ nuôi.
Nhưng có hai loại chim tôi nuôi thành công và mãi ham mê cho đến khi lớn lên có gia đình, thành danh mà vẫn tìm mọi cách kiếm cho bằng được loại chim mình đã từng nâng niêu khi còn thơ ấu. Ðó là dồng dộc nghệ và cưởng.
Những thứ chim như cu đất cu ngói dễ nuôi nhưng bị gia đình rầy vì nuôi chim con phải nhai gạo rồi ngậm mỏ nó vào miệng mình, chúng xóc nuốt như chim mẹ ngậm mỏ chim con mà súng mồi.
Hai loài chim này rất ngu, nuôi lớn nhớ rừng bay mất. Chim sẻ đầy sân đầy nhà lớn lên chúng nghe tiếng đồng loại nhập bọn bỏ mình, gọi mấy nó cũng không về.
Có lần tôi đi câu thấy bầy le le con, tôi rượt bắt được ba con đem về nuôi chung với bầy vịt lớn lên nó sinh sống như vịt trong nhà, đi ăn rồi về cho dù có le le rừng đeo theo rủ rê cũng không dụ được.
Có lẽ nó đã quen thân tiếng vịt nên không hiểu được tiếng chim đồng loại của nó.
Cũng giống như báo chí đưa tin có một cô gái người Miên lạc trong rừng lúc còn bé. Cha mẹ tìm được nó quên hết tiếng người.
Bookmarks