Ðặt bung
Cái bung làm bằng tre, đương thành giỏ hình bầu dục, lớn nhỏ tùy ý, thông thường bề dài sáu tấc, ngang ba tấc, cao năm tấc. Bên phía mặt bầu dục, người ta chừa một lỗ hình chữ nhựt ba tấc cao, bảy phân ngang, rồi đặt vào đó một cái hom tréo thật lỏng lẻo để cá chui vô dễ dàng mà ra không được.
Nắp bung làm bằng cây có cửa, lỗ nhỏ chừng năm phân vuông, mở ra gài lại được để bỏ mồi vào bung khi cần.
Người ta đặt bung gần cuối mùa lúa, khi lúa trổ đòng đòng nghĩa là có bông búp trong thân cây.
Thời gian đó cá trong ruộng cũng lớn, đặt bung là phương tiện đặc biệt dùng để bắt cá trê.
Có hai loại cá trê sống trong ruộng: Trê lét da trắng, trê vàng da vàng với ít nhiều đốm bông.
Cá trê lét ăn tạp mồi hôi thúi, cá trê vàng kén ăn hơn.
Bắt cá bằng cách đặt bung có phần cực khổ hơn cắm câu hay đặt lờ, đặt lợp, đặt nò.
Trước hết phải dang nắng cả ngày để bắt cua đồng, dọc theo mé ruộng, đôi khi bị cua kẹp bầm tay rướm máu vì mình còn nhỏ chưa có kinh nghiệm.
Ðã vậy còn phải bắt khá nhiều đem về bằm nhỏ bỏ vào hũ để ủ cho nó sình lên thúi dậy.
Nếu là mồi đặt cá trê vàng thì không nên để sình thúi quá lâu và phải thêm một vài tai vị nghiền nát hay ngũ vị hương càng tốt.
Trước khi sử dụng phải đổ vào đó thật nhiều dầu dừa để khi bỏ mồi vào bung lớp màng màng của dầu dừa tỏa ra đem mùi hôi thúi nhử cá ở xa.
Quảy bung và mồi thúi đi xa cũng có phần khó chịu. Trước khi đi tới chỗ nào ước đoán có cá, chúng tôi phải hỏi thăm người quen trong làng, ruộng nào sâu có cá nhiều?
-Tới nơi chúng tôi đã chọn, lội xuống moi đất đặt cái bung sát mé bờ, ngập nước chừa năm phân gần sát nắp.
Sau đó be bùn chung quanh thật kỹ, vuốt thật láng, nhứt là cái miệng hom phải tô bùn cho trơn tru giống như hang cá vô ra vậy.
Ðặt xong cái bung chờ cho nước lắng bùn đục, trong trẻo lại bình thường, chúng tôi mới mở nắp bỏ hai muỗng mồi ngồi chờ cá vô. Ðầu hôm từ lúc chạng vạng tối chúng tôi phải bỏ mồi liên tục khoảng mười lăm phút một lần.
Thoạt đầu cá mới vô chừng vài ba con thì chưa nghe chúng giẫy, đến khi có vài chục con thì giẫy dụa lạch chạch, róc rách liên hồi.
Cá càng nhiều càng nghe tiếng giẫy lớn, những tiếng cá giẫy trong bung cộng thêm màng màng hôi thúi tỏa ra ngoài là một cách gọi đàn, cá bu vào khu có mùi hôi tưởng chừng như trong hang có mồi nên đồng bọn mới giành nhau tranh ăn dữ dội.
Sự thật cá càng quậy càng giẫy thì mồi càng văng ra cá bên ngoài càng muốn chui vô.
Chúng tôi ngồi rình thấy cá tụ chung quanh ăn móng, quậy tới quậy lui, lội qua lội lại, dợn nước đục ngừ, rồi cũng chui vào bung hết. Sự hồi hộp và hứng thú ngồi nhìn cá từ xa lai rai hay từng bầy gắp rút chui vào bung của mình cho tôi một cảm giác sung sướng lạ kỳ
.Mặc dù phải thức khuya châm mồi, muỗi cắn đập mãi vẫn còn nhưng sự ham mê bắt tôi ngồi đó có khi đến gần sáng.
Ðêm nào không có hoặc ít cá thì anh em chúng tôi chui vô nóp nằm bàn tán, tiếc rẻ công lao mình dành cho bao nhiêu khổ cực mà chỉ bắt được hơn chục con cá.
Một vài khi chúng tôi thức đêm không thấy có chút mệt mỏi vì cá nhiều, hàng trăm con nằm sắp nằm sắp lớp, hai đứa phải gồng tay giở bung lên khỏi bờ, cá đầy hơn nữa bung.
Chúng tôi khệ nệ khiêng về vui vẻ. Cả nhà bàn tán hai ba ngày chưa thôi. Chúng tôi đi khoe cùng làng, mấy chú mấy bác không ngớt lời khen ngợi và có ông còn bảo:
-Tao sẽ bắt chước tụi bây tới đó kiếm vài con cá cho mấy đứa nhỏ nó ăn.
Bác Ba Tàn kể công:-Tao chỉ chỗ thì nhứt định phải có cá, nếu không thì chỉ cho tụi bây làm gì?
Bác khoác lác như vậy chớ nhiều lần bác chỉ chỗ tụi tôi đi cắm câu, sáng chỉ mang về hai ba con cá lóc nhỏ.
Cái thú vui ở miền quê khi lặn lội đi câu cá hay bắt chim thật là thú vị, đầy cảm hứng, hồi hộp, khoan khoái khó tả mà người ở tỉnh thành không thể biết được.
Tình nghĩa đậm đà, giản dị, thấm thía của bà con láng giềng miền Nam quê hương tôi cũng là điều khó thấy ở vùng đô thị.
Bây giờ tuổi đã quá thất thập, sống qua nhiều nơi, nhiều xứ, vào những thời điểm khác nhau, nhớ lại những kỷ niệm xa xưa lòng vẫn thấy cảm hứng, bồi hồi, bồng bột không kém lúc thiếu
thời.
Mùa nắng bắt đầu, tôi đi xôm lươnt,hời tiết đồng bằng sông Cửu Long có hai mùa: nắng và mưa. Ðồng ruộng khô dần, bùn sệt cứng, bước chân đi không lún.
Những con lươn còn sống sót rút sâu xuống hang. Ðêm đêm chúng nhoi đầu thò mỏ ra hứng sương.
Do đó, người đi xôm lươn ban ngày nhìn kỹ mặt đất thấy chỗ nào có một lỗ nhỏ trơn lu, hay lợn cợn dính vài hột bùn còn ướt do lươn ngậm đất lấp lỗ thông hơi thì biết liền bên dưới có lươn.
Tôi học xôm lươn, nghéo ếch là do bác Ba Ninh chỉ cách và mách dạy kinh nghiệm.
Bác Ba là người giúp việc cho gia đình tôi từ lúc bác còn nhỏ cho đến khi bác lớn khôn.
Ông nội tôi cưới vợ cho bác và cấp cho vợ chồng bác 2 công dòng, gần đất thánh gia đình có lăng mộ của ông cố tôi.
Vợ chồng bác ba Ninh trồng khoai, tỉa bắp, nuôi heo, nuôi gà để sinh sống.
Mỗi khi nhà tôi có cúng giỗ, đám tiệc hay ngày Tết thì cả nhà bác tự nguyện đến dọn dẹp nhà cửa, chưng bông, phụ lo việc bếp núc. Cũng có khi cần người lao lực ba tôi chỉ hú một tiếng là có mặt bác ngay, cùng với một người bạn trang lứa của bác cũng sống bằng sự giúp đỡ của ông nội tôi
Bác Ba là dân nhậu nên biết nấu những món ăn ngon như: lươn rút xương, lươn um dừa, lươn xào lăn, ếch bầm xào khô, cháo ếch đậu xanh, lá cách xào nhái, chim chuột, quay chảo.
Tôi thường dự những buổi nhậu của Bác Ba Ninh và bạn bè bác, những món tôi thích ăn nhứt là lươn xào lăn, ếch bầm xúc bánh tráng và chim mỏ nhát quay chảo.
Thiên hạ đồn rằng thịt lươn có tính cường dương, lúc nhỏ tôi ăn thường nhưng không biết nó có dương tính hay không?
Tôi thuộc loại “phá mồi”Ô nghĩa là chỉ biết ăn mà không biết nhậu. Bác ba luôn luôn nhắc mời tôi: “Ăn đi con”, mặc dù chỉ có một con lươn hay vài con ếch không đầy một dĩa mà tôi chĩa gần hết phân nữa.
Người ta có thể bắt lươn bằng cách đặt ống trúm. Họ lấy một ống tre dài hai mắt, đầu cuối có mắt tre bít lại, phần trên chẻ ra thành nhiều cộng banh lớn ra, đương với nan tre vuốt mỏng chừa lỗ vuông nhỏ, đầu trên đậy bằng một cái hom, con lươn chun vô được mà không thể chui ra.
Trong cái bộng tre đương đó người ta bỏ mồi thúi, thường là ruột gà, rắn chết sình chặt từng khúc ngắn. Ðem ống trúm ghim xuống bùn trong mương hay rạch, vài ngày sau lấy lên có thể bắt được lươn.
Mình lươn có nhớt rất trơn, nhớt là một phương tiện tự vệ, mỗi khi bị nắm bắt, tự nhiên mình lươn tiết ra một chất nhớt trơn tru để thoát nạn.
Cho nên kỹ thuật bắt lươn không phải là mò trúng nó dưới bùn rồi nắm chặt. Nắm trọn mình con lươn trong tay mười lần nó vuột ra hết tám, chín lần. Người bắt lươn mỗi khi mò trúng nó thì quấu hai ngón tay trỏ và giữa, siết chặt vào ba ngón còn lại, làm cho xương sống nó công sức luồn vuột của nó bị giảm thiểu tối đa
. Mò bắt lươn trong mương, trong đìa tát cạn tôi có làm qua. Còn đặt ống trúm thì chưa bao giờ tôi thử.
Lúc tôi còn nhỏ thấy họ chân lấm tay bùn thì tội nghiệp. Thấy họ vui chơi hưởng lạc với bạn bè qua ly rượu chén trà, tôi tiếc giùm cho họ.
Tại sao họ không tận sức lao động tạo thêm điều kiện cho gia đình mình vươn lên.
Bây giờ tuổi đời quá thất thập, vinh nhục, sang giàu có nếm đủ thì tôi lại tiếc rẻ sao mình không được ông trời ban phát cho một nếp sống giản dị an nhàn như vậy? Phải chăng là vì tôi đứng núi nầy trông núi nọ?
Thật ra, sống trong xã hội nào cũng vậy, nhà quê, tỉnh thành, xứ tân tiến hay nghèo chậm tiến, nơi nào cũng có những người ham danh, tham lợi, bon chen ganh ghét, đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái. Nơi nào cũng có người tốt, kẻ xấu.
Nhưng thông thường, đa số người dân quê chất phác thật thà, lòng dạ cởi mở trọng nghĩa, khinh tiền, nhứt là người miền Nam .
Vì là dân nhậu nên thường đi kiếm mồi trong thiên nhiên bằng cách đào chuột, đuổi chim, nghéo ếch, xôm lươn, câu rê...
Tôi thường theo bác trong mọi sinh hoạt thích thú đó mỗi khi bãi trường về quê.
Bookmarks