Tân Cương: đa sắc tộc hay thuộc địa?
Cập nhật: 15:56 GMT - thứ tư, 14 tháng 11, 2012
Ngay vào ngày 12/11/2012, khi các đại biểu dự Thập Bát Đại thảo luận kín ở Bắc Kinh, hai thanh niên nam, sắc tộc Tạng ở tỉnh Thanh Hải đã nổi lửa tự thiêu và sau đó chết vì vết bỏng nặng.
Sự kiện này một lần nữa khiến dư luận chú ý vào các vấn đề sắc tộc mà chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt ngay lúc Đảng Cộng sản bàn việc chuyển giao quyền lực.
Nhưng Tây Tạng không phải là mối lo nghĩ duy nhất cho chính quyền Trung Quốc mà còn Tân Cương, vùng đất đông người Hồi giáo, như bình luận của Temtsel Hao, phóng viên BBC Tiếng Trung từ London:
Người Hồi giáo thuộc nhóm ngôn ngữ Turkish ở Tân Cương
Tự trị hay độc lập
Trong ba nhóm sắc tộc chính (không phải Hán) ở Trung Quốc, Tạng, Mông Cổ và Uighur (Duy Ngô Nhĩ ) thì người Uighur ở Tân Cương hiện là nhóm duy nhất vẫn còn muốn tìm kiếm độc lập cho một một gia nói tiếng thuộc nhóm Turkish để thực hiện khát vọng tự quyết.
Khác với họ, chính phủ Tây Tạng lưu vong, như cách đặt vấn đề của Đạt Lai Lạt Ma thì chọn con đường trung dung hơn: tự trị cho dân tộc Tạng trong khuôn khổ hiến pháp Trung Quốc.
Chủ nghĩa dân tộc Nội Mông thì hiện cũng chỉ biểu hiện qua các hoạt động đòi bảo vệ môi trường, chống tàn phá vùng thảo nguyên, và chống các vụ vi phạm nhân quyền, cưỡng bức đồng hóa đối với giới trí thức thức và nhà vận động người Mông Cổ.
Tân Cương là khu vực tự trị duy nhất ở Trung Quốc có hai hệ thống song hành: chính quyền địa phương và các binh đoàn (PCC) đầy thế lực. Đây là những tập đoàn sản xuất do quân đội và chính quyền lập ra và hiện nắm quyền tại nhiều đô thị, khu định cư và nông trại trong khắp vùng Tân Cương.
Các tập đoàn bán quân sự này được lập ra trong thập niên 1950 và từng được lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi là cách ổn định xã hội, bảo vệ biên cương và đóng góp kinh tế cho đất nước.
PCC hiện tuyển 930 nghìn người, theo thông tin chính thức của nhà nước và vai trò của chúng được chính ông Chu Vĩnh Khang, quan chức an ninh cao cấp nhất nêu bật trong kỳ họp Đại hội 18.
"Bạo loạn Urumqi là hệ quả của căng thẳng sắc tộc tích tụ sau nhiều thập niên người Hán liên tục đổ vào định cư ở Tân Cương"
Vương Lập Hùng
Hôm 5/7/2009, vụ xung đột sắc tộc nghiêm trọng nhất kể từ năm 1949 nổ ra tại thủ phủ của Khu tự trị Tân cương, khiến hơn 200 người bị chết, và 1700 bị thương.
Một nhà văn độc lập Vương Lập Hùng, người chuyên viết về chủ đề Tân Cương đã bình luận rằng “Vụ 5 tháng 7 chỉ là hệ quả của căng thẳng sắc tộc tích tụ sau nhiều thập niên người Hán liên tục đổ vào định cư ở Tân Cương”.
Năm 1949, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, người Hán mới chiếm có 6% toàn bộ dân số trong vùng nhưng đã tăng lên tới 40% năm 2007.
Đó là chưa tính số quân Trung Quốc thường trú, gia đình họ hoặc nhóm lao động di cư không đăng ký.
Chính sách đã cũ
Bên cạnh ‘chiến lược biên cương’ kiểu cũ, mà thực ra là cách đưa người Hán vào ồ ạt nhằm tăng cường kiểm soát khu vực chiến lược quan trọng ở phía Tây đất nước, các lãnh đạo Trung Quốc, từ Đặng Tiểu Bình tới Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đều chọn phát triển kinh tế là cách giải quyết vấn đề dân tộc và sắc tộc của Trung Quốc.
Từ 1950 đến 2000, số liệu của chính phủ cho hay nhà nước đã đầu tư 250 tỷ nhân dân tệ (chừng 40 tỷ USD) vào phát triển Tân Cương, giúp GDP của vùng này tăng 40 lần.
Nhưng người dân địa phương lại thường nhìn chính sách kinh tế của nhà nước với con mắt ngờ vực.
Dilshat Reshit, phát ngôn viên cho Đại hội Quốc tế Uyghur, một tổ chức lưu vong, nói chính sách gọi là “phát triển kinh tế’ chính là cách chiếm đất, đào tài nguyên và “đã dẫn tới hỗn loạn, bất ổn”.
Trong con mắt của không ít người Uighur, tăng trưởng không đều ở Tân Cương đã trở nên mang tính cơ chế theo lằn ranh sắc tộc và khiến người bản địa bị thiệt thòi.
Hậu quả là họ cảm thấy bị rơi ra ngoài rìa sinh hoạt kinh tế của Khu tự trị.
Trí thức Uighur, Ilham Tohti – người từng bị bắt giam vào thời gian nổ ra bạo động ở Urumqi 2009 – trích dẫn hai ví dụ.
Một là các tổ hợp bán vũ trang chuyên sản xuất và xây dựng đã chiếm hết đất tốt nhất tại Tân Cương và đổi dòng chảy của sông ngồi lên phía thượng nguồn.
Thứ nhì, Tân Cương cung ứng dầu, than đá và khí đốt cùng bông cho các vùng phát triển hơn ở Trung Quốc, nhưng người địa phương phải trả giá cho các số mặt hàng đó cao hơn giá tại những vùng khác ở Trung Quốc.
Ilham Tohti còn lập luận rằng cách Trung Quốc “phát triển” vùng Tân Cương còn tệ hơn cả chủ nghĩa thực dân.
Khi công ty có vốn nước ngoài vào Trung Quốc, ít ra người bản địa có cơ hội “được bóc lột” trong các công xưởng. Nhưng khi Bắc Kinh cho lập các doanh nghiệp nhà nước, công ty dầu khí trên vùng Tân Cương, họ cũng “nhập khẩu” số lượng lớn lao công Hán vào các khu vực làm ăn đó.
"Cách 'phát triển' vùng Tân Cương còn tệ hơn cả chủ nghĩa thực dân"
Có những người phải di chuyển 4000 km để tới làm việc ở Quảng Đông, nơi xung đột với công nhân Hán gây ra vụ hai người Uighur bị chết ngày 25-26 tháng 6/2009.
Chính vụ đó đã làm bùng lên xung đột sắc tộc tại quê nhà Urumqi của người Uighur.
Các nhà quan sát Trung Quốc thường nêu chủ nghĩa dân tộc với sự trống vắng của ý thức hệ sau khi chủ nghĩa cộng sản phá sản.
Nhưng nếu có mối liên hệ đó thì ít nhất, sự chấm dứt của ý thức hệ cộng sản đã tạo đà cho chủ nghĩa dân tộc Hán nổi lên.
Ngày nay, nhiều người Trung Quốc gốc Hán coi hệ thống tự trị kiểu cũ, dựa trên tiêu chuẩn dân tộc là cả một sự thất bại.
Họ phê phán điều họ nói là chính phủ đã quá nâng đỡ các sắc tộc thiểu số.
Bắc Kinh coi Tân Cương là khu vực quan trọng về an ninh
Nhiều nhân vật có ảnh hưởng ở Trung Quốc đặt câu hỏi liệu chính quyền có xem xét lại chính sách ưu tiên dân tộc hay không.
Một số người còn đòi xóa bỏ hẳn các vùng “tự trị” và chuyển Tân Cương thành một tỉnh bình thường.
Những điều này càng làm cho những nhóm thiểu số tại Trung Quốc lo ngại vì họ không rõ chính quyền trung ương sẽ chống đỡ sức ép mang tính dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng trong nhóm Hán chiếm đa số ra sao, và liệu chính quyền có duy trì thái độ ‘trung lập tối thiểu’ khi giải quyết các vấn đề sắc tộc.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worl...xinjiang.shtml
Bookmarks